Trước sự đổ bộ của thép ngoại giá rẻ vào thị trường nội địa từ đầu năm đến nay, thị phần tiêu thụ thép cuộn trong nước giảm 5-7% (trong tổng số thép xây dựng).
Trước sự đổ bộ của thép ngoại giá rẻ vào thị trường nội địa từ đầu năm đến nay, thị phần tiêu thụ thép cuộn trong nước giảm 5-7% (trong tổng số thép xây dựng).
Ngay đầu tháng 10, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã phải tuyên bố giảm giá bán tại các nhà máy với mức 200.000 đồng/tấn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến ngày 15/9, lượng thép nhập vào Việt Nam, kể cả nguyên liệu, vào khoảng 8,6 triệu tấn, với kim ngạch 4,42 tỷ USD. Điều đáng lưu ý là sự đổ bộ của thép cuộn có nguồn gốc từ các nước ASEAN vào thị trường nội địa từ đầu năm tới nay.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam giải thích, theo thỏa thuận AFTA mà Việt Nam và các nước ASEAN đã ký kết, mặt hàng thép khi xuất khẩu sang các nước sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu sản phẩm đó được sản xuất theo 2 bước, từ sản xuất phôi đến sản xuất thép, có hàm lượng trên 40%. Bởi vậy, thép cuộn có nguồn gốc từ ASEAN có giá rẻ hơn so với thép nội từ 300 - 500 ngàn đồng/tấn.
Bên cạnh đó, trong tháng 3/2009 nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp thép, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ký Thông tư số 58/2009/TT-BTC, về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép. Theo đó, thuế nhập khẩu thép xây dựng tăng từ 12% lên 15%; thép có chứa Bo tăng từ 0% - 10%.
Chính điều này đã hạn chế bớt lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, tác động tới thị phần thép ngoại tại Việt Nam. Trên thị trường đã có sự hoán đổi thị phần thép ngoại rõ rệt, theo hướng tăng lượng thép cuộn có nguồn gốc từ ASEAN.
Nếu như cả năm 2008, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 64,5% tổng lượng thép nhập khẩu, thép của các nước ASEAN chỉ chiếm khoảng 11,7%, thì từ tháng 7 năm nay, thị phần của thép Trung Quốc đã giảm xuống còn 3,8%, thép ASEAN chiếm 44%.
Trong tháng 9, thị phần tiếp tục nghiêng hẳn về các nước ASEAN với 74% lượng thép được nhập về, trong khi thép Trung Quốc hiện chỉ chiếm 1,7%. Thép cuộn có nguồn gốc từ các nước ASEAN không có nhãn mác, thương hiệu in trên sản phẩm.
Sự đổ bộ của thép ngoại có giá rẻ, đã tăng áp lực giảm giá ngay trên sân nhà đối với các doanh nghiệp thép trong nước. Trong tháng 10, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã phải công bố hạ giá bán 200.000 đồng/tấn so với tháng 9, giữ mức 11,32 triệu đồng/tấn (chưa có VAT).
Một số doanh nghiệp không thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam thì chọn cách hỗ trợ vận chuyển, hoặc trừ chiết khấu. Ông Đỗ Duy Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt (Pomila) cho hay, qua theo dõi và đánh giá cho thấy, lượng thép nhập khẩu chủ yếu được tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, không xuất hiện nhiều tại các thành phố lớn. Bởi lẽ, người dân tại các thành phố đòi hỏi sản phẩm thép phải có nhãn mác, thương hiệu. “Xét về uy tín thương hiệu và yếu tố tâm lý, người tiêu dùng vẫn tin dùng thép trong nước”.
Theo khảo sát của phóng viên, lượng thép nhập khẩu có giá rẻ được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh phía Nam do gần nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia. Lượng thép này được vận chuyển ra phía Bắc rất ít do phải cộng chi phí vận chuyển khiến giá thành cao. Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới nguồn cung về thép không thiếu và các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh gay gắt với thép ngoại ngay tại sân nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV News