Thép ngoại nhập khẩu tiếp tục đổ vào thị trường VN đã tạo sức ép khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước buộc phải tính toán giảm giá bán. Nguồn thép nhập khẩu chủ yếu...
Thép Malaysia chất đống tại cảng Lotus (TP.HCM) (ảnh chụp ngày 14-10) - Ảnh: T.T.D. |
Thép ngoại nhập khẩu tiếp tục đổ vào thị trường VN đã tạo sức ép khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước buộc phải tính toán giảm giá bán. Nguồn thép nhập khẩu chủ yếu từ các nước trong khu vực ASEAN như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia,... với mức thuế suất ưu đãi chỉ 5%.
Chênh nhau 700.000 đồng/tấn
Tổng công ty Thép VN (VNS) vừa công bố hạ giá bán giao tại nhà máy đối với thép cuộn loại phi 6, phi 8 xuống 200.000 đồng/tấn so với thời điểm giữa tháng 9-2009, giữ mức 11,32 triệu đồng/tấn (chưa tính VAT). Một số doanh nghiệp thép khác cũng có mức giảm tương ứng. Đây là lần hạ giá đầu tiên kể từ tháng 8 đến nay đối với chủng loại thép xây dựng sau nhiều đợt tăng giá bán.
Một cán bộ có thẩm quyền của VNS khu vực phía Nam xác nhận: việc thị trường tiêu thụ đột ngột chững lại dù đã bước vào mùa xây dựng cao điểm, đồng thời thép nhập khẩu (chủ yếu là thép cuộn) tiếp tục về đã khiến doanh nghiệp sản xuất thép phải hạ giá bán. Chỉ tính riêng trong tháng 9-2009, lượng thép tiêu thụ của VNS khu vực phía Nam gần 35.000 tấn, trong khi lượng thép tồn kho ước mức 60.000 tấn cũng vì các lý do trên.
Theo vị cán bộ này, với giá bán khoảng 11,1 triệu đồng/tấn (đã tính VAT), giá thép cuộn nhập khẩu từ Malaysia có thuế suất 0% đang rẻ hơn ít nhất 700.000 đồng/tấn so với thép bán trên thị trường.
Nhiều nhà thầu xây dựng cho biết thời gian gần đây đã nhận được nhiều lời chào giá từ một số cửa hàng, đại lý kinh doanh đối với loại thép cuộn nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, rất ít nhà thầu nào chọn mua loại thép này vì đa số đều không có tên tuổi nhà sản xuất một cách rõ ràng.
Xoay xở tìm hướng cạnh tranh
Về chất lượng thép nhập khẩu, đại diện VSA khẳng định chưa nhận được bất kỳ yêu cầu kiểm tra gì từ phía người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp sản xuất trong nước. |
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), hiện VSA đang theo dõi sát sao diễn biến thép nhập khẩu từ các nước ASEAN trong vài tháng gần đây. Nếu như cả năm 2008, lượng thép cuộn nhập khẩu từ ASEAN chỉ chiếm chưa đến 12% thì đến cuối tháng 9-2009, tỉ lệ này đã hơn 80%.
Trong đó mức nhập khẩu trung bình hằng tháng không dưới 30.000 tấn/tháng. “Do thuế suất 0%, cộng với giá phôi thép thế giới chỉ còn 480-490 USD/tấn và lượng thép sản xuất từ Trung Quốc tiếp tục dư thừa nên thép nhập khẩu rẻ hơn là điều dễ hiểu” - ông Nghi phân tích.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước khẳng định: phần lớn lượng thép nhập khẩu đều được đem đi tiêu thụ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Một lượng nhỏ bán cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong thành phố, nhưng đa phần ở khu vực ngoại thành, chủ yếu xây dựng nhỏ. Theo một chuyên gia trong ngành, phần lớn thép cuộn nhập khẩu từ khu vực ASEAN đi theo con đường chính ngạch, không có thương hiệu.
Theo ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Việt (Pomina), có áp lực từ thép ngoại nhập khẩu đối với các nhà sản xuất trong nước. “Dù thị phần lấn chiếm của thép nhập khẩu chưa nhiều nhưng nếu chủ quan cũng rất dễ bị mất người tiêu dùng”, ông Thái thừa nhận.
Theo ông Thái, dù thép sản xuất trong nước đang gặp bất lợi về yếu tố giá so với thép nhập khẩu, nhưng nếu xét về uy tín thương hiệu lẫn yếu tố tâm lý người tiêu dùng vẫn tin dùng thép trong nước, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp là vẫn còn.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ