Thép đang bị làm giá?

Cập nhật 24/03/2010 09:10

Chỉ trong vòng 20 ngày đầu tháng 3- 2010, giá thép đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn khi đến tay người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng đang “choáng” thật sự vì giá thép tăng từng ngày.

Chỉ trong vòng 20 ngày đầu tháng 3- 2010, giá thép đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn khi đến tay người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng đang “choáng” thật sự vì giá thép tăng từng ngày.


Giá thép cuộn bán lẻ - Đồ họa: Mạnh Tánh - Nguồn: Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (TP.HCM)

Mức giá tăng quá nhanh và quá cao, lại diễn ra vào mùa cao điểm xây dựng khiến tình hình càng trở nên căng thẳng, không chỉ cho chủ đầu tư mà cho cả nhà thầu thi công.

Sản xuất tăng 2, bán lẻ tăng 5


Chuông điện thoại của Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (quận Tân Bình, TP.HCM) gần như reo liên tục suốt sáng 23-3-2010. Toàn bộ cuộc gọi đều buộc đích thân giám đốc Bùi Hoàng Triệu phải nghe, do các nhà phân phối thép đều muốn thông báo trực tiếp đến người đứng đầu doanh nghiệp về việc giá thép tiếp tục tăng thêm 900.000 đồng/tấn nếu ông Triệu không chốt giá. Điều đáng nói là trước đó một ngày, cũng chính nhà phân phối này thông báo giá đã tăng thêm 100.000 đồng/tấn áp dụng kể từ ngày... 23-3.

Tạo tâm lý khan hàng

Bà L. - phụ trách kinh doanh của đại lý Đ (Q.12), hiện đang phân phối cho hàng loạt thương hiệu thép có tiếng hiện nay như Pomina, Vina Kyoei, thép miền Nam... - không phủ nhận giá thép bên ngoài “tăng nhanh hơn mức tăng của nhà sản xuất”, nhưng nguyên nhân, theo bà L., “cũng chính từ nhà sản xuất mà ra”.

Đơn cử trong ngày 23-3, khi đặt mua một lượng lớn thép cuộn của thương hiệu P, đại lý của bà chỉ được duyệt một ít với mức giá tại thời đểm lấy hàng chứ không theo mức giá đã chốt trước đó. Chính yếu tố này đã gây tâm lý hàng đang khan, buộc họ phải ôm hàng nếu muốn có hàng để bán vì nhu cầu xây dựng đang bước vào mùa cao điểm.
Trong kế hoạch dự toán của công ty tính từ ngày 2-3 đến 23-3, Minh Khoa đã buộc phải thay đổi hạng mục giá thép đến năm lần do giá tăng tổng cộng gần 2 triệu đồng/tấn, hiện ở mức 14,6 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn, khoảng 14,7 triệu đồng/tấn đối với thép cây.

“Đây là mức tăng quá nhanh, đặc biệt tăng dồn dập sau ngày 18-3 khiến doanh nghiệp choáng váng không biết phải tính toán giá nào mới phù hợp” - ông Triệu bức xúc. Ông tính toán với công trình xây dựng căn hộ có diện tích sử dụng 500m2 mà công ty đang nhận thầu, chỉ riêng phần thép chi phí đã “đội” lên hơn 50 triệu đồng so với dự toán ban đầu.

Ngoài thị trường bán lẻ, giá thép cũng nhảy mỗi nơi một kiểu với nhiều mức giá khác nhau. Bà Ngọc Loan, chủ cửa hàng kinh doanh sắt thép tổng hợp Sơn Hà (quận Bình Thạnh), không ngại ngần cho xem sổ nhập hàng trong hai ngày 22 và 23-3 lô hàng 200 tấn thép cuộn nhập kho với ba mức giá khác nhau.

Trong đó mức giá cuối buổi chiều 22-3 được ghi nhận cao nhất 13,69 triệu đồng/tấn, nhưng qua sáng 23-3 đã vọt lên 14,15 triệu đồng/tấn. Với hình thức mua đứt bán đoạn hiện nay, chủ trương của bà Loan rất rõ: “Tui mua cao, bán cao. Tui muốn có hàng thì phải chịu mua giá cao nên đâu có bán thấp được”.

Nếu so với mức giá công bố của các nhà sản xuất thép, giá thép của nhà phân phối ở các cấp đang “chạy” trước giá bán của nhà sản xuất từ 800.000-900.000 đồng/tấn. Đặc biệt số lần điều chỉnh giá bán cũng nhiều hơn các nhà sản xuất. Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina), khẳng định công ty chỉ điều chỉnh giá bán hai lần trong tháng 3-2010 với mức tăng sau hai đợt khoảng 600.000-700.000 đồng/tấn, tương ứng mức 13,7 triệu đồng/tấn đối thép cuộn. Trong khi đó, giá bán lẻ của thương hiệu này đã tăng lên 14,6 triệu đồng/tấn.

Riêng Vina Kyoei và Tổng công ty Thép VN trụ sở TP.HCM (VNSteel), mức điều chỉnh giá bán được thực hiện mỗi tháng một lần. Nhưng VNSteel gây sốc khi giá điều chỉnh mới nhất ngày 18-3 đã tăng hơn 700.000 đồng/tấn đối với thép cuộn, khoảng 230.000 đồng/tấn đối với thép cây so với tháng trước.

Nên kiểm tra giá thép

Một trong những nguyên nhân được các nhà sản xuất thép lấy lý do tăng giá liên tục trong thời gian qua là giá phôi thép nhập khẩu, chính sách tỉ giá điều chỉnh, giá đầu vào (điện, gas, thép phế...) đều đồng loạt tăng kể từ đầu tháng 3. Đây là lý do có thật, nhưng chưa thể là nguyên nhân chính đẩy giá thép tăng vọt lên quá nhanh trong vòng 20 ngày qua.

Ngay từ đầu tháng 3-2010, Hiệp hội Thép VN (VSA) khẳng định nguồn phôi thép dự trữ đủ để sản xuất trong tháng 3 và 4 với khoảng 430.000-450.000 tấn, kèm theo lượng tồn kho thành phẩm xấp xỉ 300.000 tấn. Chưa kể các doanh nghiệp sản xuất hiện nay đã chủ động được 60% lượng phôi cần sản xuất, phần còn lại phải nhập. Nếu so với mức giá phôi tự sản xuất được và phôi phải nhập khẩu, giá phôi trong nước hiện đang rẻ hơn khoảng vài chục USD/tấn.

Tuy nhiên khi tính giá bán, hầu hết các doanh nghiệp đều dựa trên giá phôi nhập khẩu và thường “quên” phần phôi thép mình đã sản xuất được. Trong khi đó, nửa đầu tháng 3-2010, lượng phôi thép được các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ khoảng 50.000 tấn, giá nhập bình quân vẫn dưới 500 USD/tấn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch VSA, cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc tiến hành kiểm tra giá thép trên thị trường đang có chuyện gì xảy ra. Với hệ thống phân phối mà các doanh nghiệp đang áp dụng “quá dài (tức qua quá nhiều tầng nấc - PV), cứ mỗi anh ăn một đoạn thì khi thép đến tay người tiêu dùng sẽ chẳng bao giờ có mức giá hợp lý. Đây là vấn đề ai cũng thấy nhưng vẫn chưa giải quyết được” - ông Nghi nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ