Giá nguyên, vật liệu tăng mạnh thời gian qua chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều công trình xây dựng bị đình đốn, nhà thầu đứng...
Giá nguyên, vật liệu tăng mạnh thời gian qua chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều công trình xây dựng bị đình đốn, nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản vì thua lỗ, tác động trực tiếp đến tình hình đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng đã ban hành văn bản 164 cho phép điều chỉnh giá nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu đối với các HĐ trọn gói do tăng giá ngoài khả năng kiểm soát của nhà thầu. Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 05 hướng dẫn việc điều chỉnh giá và HĐ xây dựng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo giới để làm rõ những tháo gỡ vướng mắc của Thông tư 05.
* Thưa Thứ trưởng, thời gian qua Chính phủ và Bộ XD đã ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng khi cho phép điều chỉnh giá hợp đồng trọn gói và tính toán trượt giá vật liệu xây dựng vào giá gói thầu, tuy nhiên, đến nay các nhà thầu vẫn chưa hết kêu ca?
Tinh thần của công văn 164 của Thủ tướng và Thông tư 05 của Bộ XD tập trung vào 2 nội dung chính. Đó là cho phép chủ đầu tư và nhà thầu điều chỉnh dự toán, giá gói thầu của các dự án do vật liệu xây dựng (VLXD) bị trượt giá và nội dung thứ hai là điều chỉnh hình thức giá hợp đồng từ hình thức giá trọn gói và theo đơn giá cố định thành giá HĐ theo đơn giá điều chỉnh.
Điều chỉnh giá VLXD được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá làm tăng chi phí xây dựng. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh biện pháp tháo gỡ này chỉ là tình thế, trong điều kiện hoạt động của các chủ thể xây dựng đang dần chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
Nếu theo quy định thì nhà thầu phải tính toán kỹ trước khi ký hợp đồng và thực hiện theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu. Nhưng trong tình hình khó khăn vì giá cả tăng cao, nếu Chính phủ không có biện pháp giải quyết tình thế quyết liệt thì đình đốn các dự án, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
* Một trong những vướng mắc của Thông tư 05 mà các nhà thầu cho rằng khó thực hiện là quy định thẩm quyền của các cấp trong việc ra quyết định điều chỉnh giá dự toán, rồi phương pháp điều chỉnh cũng chưa được quy định rõ?
Vừa qua, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng đã tổ chức một hội thảo về tăng giá VLXD, chính tôi là người đề xuất việc sẽ đến để cùng trao đổi ý kiến vì có một số quy định trong Thông tư 05, các nhà thầu đã không hiểu đúng dẫn đến vận dụng chưa thống nhất.
Chẳng hạn, việc quyết định điều chỉnh dự toán và điều chỉnh giá gói thầu làm vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải là người quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh. Riêng các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, do điều kiện năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng còn hạn chế, người có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá gói thầu là UBND tỉnh, sau đó UBND tỉnh có thể phân cấp giao cho sở hoặc giao BQLDA cấp huyện quản lý, nhưng chịu trách nhiệm phải là tỉnh.
Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách mà Thủ tướng quyết định đầu tư, nếu điều chỉnh giá làm vượt tổng mức đầu tư thì giao bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định. Về phương pháp điều chỉnh dự toán, điều chỉnh giá gói thầu, hoặc điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng cần được hướng dẫn cụ thể.
Khi điều chỉnh hợp đồng, nhà thầu cần thống nhất điều chỉnh khối lượng thanh toán đã tính chênh lệch giá vật liệu xây dựng để điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư, tránh cứ mỗi lần thanh toán là một lần điều chỉnh lại dự toán, giá gói thầu sẽ mất nhiều thủ tục.
* Có một thực tế là giá các nguyên vật liệu do địa phương công bố theo quy định thường chậm trễ và thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Việc điều chỉnh giá nếu căn cứ trên giá này sẽ thiệt cho các nhà thầu?
Điều này là một thực tế. Tuy nhiên, Bộ XD chủ trương không can thiệp vào giá VLXD trên từng địa bàn, việc này phân cấp cho các địa phương tự quy định đơn giá. Việc điều chỉnh giá dự toán gói thầu trong trường hợp sở XD chưa kịp công bố hoặc công bố chênh lệch với giá vật liệu thực tế thì chỉ để tham khảo. Chủ đầu tư và nhà thầu được áp dụng theo giá trị hoá đơn mua bán với điều kiện hoá đơn hợp lý, hợp lệ. Như vậy là áp dụng đơn giá vật liệu sát với giá thị trường.