Hiện các doanh nghiệp (DN) cả nước còn tồn 3 triệu tấn thép các loại với lượng vốn đọng lên đến 2,1 tỷ USD. Đây là con số lớn, đang đẩy nhiều DN thép vào tình cảnh khó khăn...
Hiện các doanh nghiệp (DN) cả nước còn tồn 3 triệu tấn thép các loại với lượng vốn đọng lên đến 2,1 tỷ USD. Đây là con số lớn, đang đẩy nhiều DN thép vào tình cảnh khó khăn. Có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế xuất khẩu thép trước đây đã bịt mất cơ hội thoát hiểm của các DN thép và quyết định này còn tỏ rõ việc mang lại lợi ích cho nhóm này, gây thiệt hại cho nhóm khác.
Lượng thép tồn kho: sự thật là bao nhiêu?
Lý do lớn nhất để các doanh nghiệp kêu cứu là lượng tồn kho quá lớn. Tuy nhiên, thực sự lượng tồn kho là bao nhiêu thì mỗi nơi lại có những con số rất khác nhau.
Theo số liệu của Hội DN trẻ Hà Nội, số lượng thép các loại tồn đọng hiện nay lên đến 3 triệu tấn, chứ không phải khoảng 400.000 tấn thép thành phẩm và 500.000 tấn phôi như con số mà Hiệp hội thép Việt Nam đưa ra. Từ đầu năm 2008 đến nay lượng thép nhập khẩu các loại đạt khoảng 7 triệu tấn, tồn kho khoảng 2 triệu tấn từ 2007 chuyển sang là 9 triệu tấn. Trong khi đó từ đầu năm đến nay mới xuất khẩu được khoảng 2 triệu tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 4 triệu tấn, còn tồn 3 triệu tấn. Trong số 3 triệu tấn tồn đọng, có 1 triệu tấn là thép tấm, lá, còn lại là thép xây dựng, phôi thép và thép phế liệu.
Nguyên nhân thép tồn kho lớn được nhìn nhận là do lạm phát tăng cao, Chính phủ đã chủ trương thắt chặt tín dụng, dẫn đến các công trình xây dựng đình trệ, tạm ngừng hoạt động bởi thiếu vốn, làm cho tiêu thụ thép giảm mạnh.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt đã áp dụng từ đầu năm, còn đến gần giữa năm vẫn thấy thép nhập khẩu đổ về?
Bên cạnh đó giá thép tăng cao cũng làm cho nhu cầu giảm và một lý do quan trọng là khi các DN thấy thị trường trong nước trầm lắng, thép, phôi thép tồn đọng nhiều đã đẩy mạnh xuất khẩu thì ngay sau đó các cơ quan chức năng lại đưa ra quyết định tăng thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng sắt thép lên 10% rồi 20% làm cho thép không có đầu ra.
Theo ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty cổ phần thép Bắc Việt, với giá thép tồn kho trung bình mua vào là 700 USD/tấn như vậy với 3 triệu tấn thép tồn hiện nay các DN đang đọng 2,1 tỷ USD tiền vốn(!).
Trong tháng 9 và 10/2008 vừa qua tiêu thụ thép giảm mạnh chỉ còn 20% -30% so với trước. Thị trường trong nước trầm lắng trong khi không xuất khẩu được khiến nhiều DN lao đao, đã phải cho công nhân nghỉ việc, tạm ngừng sản xuất.
Nghịch lý nhập khẩu về để xuất khẩu
Các DN cho rằng dự báo của họ không sai. Năm 2007 tiêu thụ thép của Việt Nam đạt khoảng 10 triệu tấn và đây là căn cứ để họ đẩy mạnh sản xuất cũng như nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhưng do chính sách thắt chặt tín dụng đã làm cho tiêu thụ thép giảm mạnh. Bên cạnh đó, các DN cũng than vãn về việc đẩy thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng sắt thép lên cao đã làm mất cơ hội "thoát hiểm" duy nhất của họ.
Ông Trần Anh Vương cho biết, khi thị trường thép trong nước trầm lắng, nhận thấy có cơ hội xuất khẩu, các DN đã nhanh chóng tái xuất thép và phôi thép. Đáng lẽ ra đã có thể xuất khẩu hết số thép tồn có lãi và thu ngoại tệ về thì nay thép tồn đọng không có đầu ra.Thật sai lầm khi các cơ quan chức năng đưa ra quyết định nâng thuế xuất khẩu thép lên cao mà thiếu cơ sở chắc chắn vì vậy đã làm mất cơ hội tiêu thụ phôi thép, thép và đẩy các DN vào tình hình khó khăn hiện nay.
Ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thừa nhận các chính sách với ngành thép trong thời gian qua rất bất định. Đùng 1 cái lại thay đổi và thay đổi chỉ mang lợi ích cho nhóm này, còn thiệt hại cho nhóm khác. Việc tăng thuế xuất khẩu thép vừa qua cho thấy tính dự báo, khả năng đánh giá phân tích tình hình của các cơ quan chức năng rất yếu kém. Các quyết định được đưa ra đến nay nhìn lại thấy rất thiếu cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, có một vấn đề cũng cần đặt ra là tầm nhìn của DN Việt Nam, trong đó có các DN thép đến đâu? Trong khi các DN thép trong nước cứ loay hoay, chật vật tìm lối thoát thì các DN nước ngoài lại đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án thép lớn ở Việt Nam với công suất lên trên 50 triệu tấn. Trong lúc các DN thép Việt Nam vẫn còn tranh cãi quanh chuyện sống, chết thì các nhà đầu tư nước ngoài lại dấn thân làm lớn ngay trên mảnh đất này.
Phải chăng với DN nước ngoài tầm nhìn của người ta cỡ 20 năm, còn các DN Việt Nam thì chỉ trong nay mai và vẫn mang nặng tính chụp giựt?
"Việc nhập khẩu nhiều thép và phôi thép vừa qua cũng vậy, nếu các DN có tầm nhìn, phân tích thị trường tốt hay đưa ra được các bằng chứng thuyết phục về việc xuất khẩu thép thì đã tránh được tình trạng hiện nay. Vấn đề là các DN đã nghiên cứu, phân tích thị trường kỹ chưa, có đóng góp được ý kiến nào có giá trị đủ sức thuyết phục các nhà làm chính sách để xây dựng một chính sách bền vững cho ngành thép hay chưa? hay chỉ DN nào biết DN ấy?"- ông Thiên nói thẳng.
Tăng nhập hay cấm nhập?
Đề xuất mới đây của Hiệp hội thép về tăng thuế nhập khẩu lên đến 25% thực chất giống như đề xuất cấm nhập.
Tại hội thảo, Hội DN trẻ Hà Nội đã đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN thép với 1 số giải pháp ngắn hạn như: Nhà nước bỏ tiền mua 1 số lượng thép cho các DN để dự trữ, nâng thuế nhập khẩu thép lên để tránh hiện tượng thép nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam. Các ngân hàng nên hỗ trợ cho khách hàng mua thép để họ được vay vốn mua thép với lãi suất ưu đãi...
Các DN thép than rằng việc tăng thuế xuất khẩu trước
đây đã bịt mất cơ hội thoát hiểm của họ. Ảnh: VNN.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet