Thị trường thép ế ẩm dài ngày kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi ngừng hoạt động vì không bán được. Doanh nghiệp sản xuất thép cũng đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng vì càng làm càng lỗ...
Chủ đầu tư thiếu vốn, tăng thuế mà giải ngân chậm, thép vẫn ế. Vật liệu rẻ, nhà thầu vẫn... run.
Thị trường thép ế ẩm dài ngày kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi ngừng hoạt động vì không bán được. Doanh nghiệp sản xuất thép cũng đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng vì càng làm càng lỗ. Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà máy đã phải cho công nhân nghỉ việc và tính đến phương án cho hưởng 70% lương cứng. Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nếu tình trạng này kéo dài thêm 2-3 tháng, nguy cơ một nửa số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước sẽ đứng bên bờ phá sản, kéo theo hàng trăm ngàn lao động mất việc.
Liên tục giảm giá, sức mua vẫn yếu
Mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam trụ sở phía nam lại tiếp tục giảm thêm 950 ngàn đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây so với mức giá cuối tháng 10. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy giữ mức 10,1-10,2 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 10,4 triệu đồng/tấn. Từ mức giảm của VNSteel, các doanh nghiệp tư nhân và liên doanh dựa vào đó để điều chỉnh.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, nhìn chung mãi lực của các doanh nghiệp thành viên VSA từ đầu tháng 11 đến nay vẫn rất thấp. Riêng tháng 10, tổng lượng thép tiêu thụ chỉ ở mức 100-120 ngàn tấn, tiếp tục suy giảm tháng thứ tư liên tiếp từ cuối quý II-2008 đến nay.
Ông Nguyễn Mạnh Dưỡng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Phong (đơn vị phân phối cho thép Miền Nam, Việt-Nhật, Pomina) than: “Lượng tiêu thụ thép trong mấy ngày qua còn rất chậm. Khách hàng chủ yếu là đại diện những công trình đã ký hợp đồng từ trước chứ lượng khách mới hầu như không có”.
Giá thành sẽ ảnh hưởng
Đồng ý rằng khó khăn mà doanh nghiệp thép đang vướng mắc cần phải có biện pháp giải cứu. Tuy nhiên, lúc thị trường khan hiếm, không ít doanh nghiệp thép ôm hàng và thu được lãi lớn từ khoản giá bán chênh lệch. Thậm chí khi sốt hàng, nhiều chủ đầu tư và người dân có công trình xây dựng phải bấm bụng mua thép với giá cắt cổ.
Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp để cứu ngành thép nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, chủ đầu tư và người dân đang có công trình xây dựng. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho biết: “VSA đã kiến nghị một số biện pháp khẩn cấp để cứu ngành thép thoát khỏi khủng hoảng, trong đó quan trọng nhất là công cụ thuế”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện giải pháp này thì sẽ lập tức vấp phải những xung đột quyền lợi ngay nội bộ ngành thép. Ông Lê Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Nam Vang chuyên kinh doanh thép, nói: “Việc áp thuế nhập khẩu phôi thép quá cao sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ giá thành sản xuất thép trong nước. Hiện tại, phôi sản xuất trong nước mới đáp ứng được 50%-60% nhu cầu nhưng giá thành lại quá cao so với giá thế giới. Chưa kể là tăng thuế nhập khẩu phôi thép còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được sử dụng thép giá rẻ của người tiêu dùng và không kích cầu được đầu tư trong xây dựng”.
Tồn động phôi thép do doanh nghiệp tính sai
Ngay Tổng Công ty Thép Việt Nam, đơn vị nòng cốt và chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn ế ẩm của ngành thép, cũng không kiến nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu thép bởi cho rằng đây là giải pháp ngắn hạn, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Hơn nữa, việc tồn đọng phôi thép và sản phẩm thép dẫn tới thua lỗ như hiện nay một phần là do nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã tính toán sai lệch nhu cầu, không nhạy bén với biến động kinh tế.
Ông Nguyễn Mạnh Dưỡng nhận định: Nếu tăng thuế nhập khẩu đi cùng với việc nhà nước tăng cường giải ngân cho những công trình xây dựng thì đó là tín hiệu vui cho ngành thép. Còn ngược lại, dù tăng thuế nhập khẩu nhưng tiến độ giải ngân vẫn giậm chân thì nếu giá thép có giảm thêm, thị trường vẫn ế ẩm bởi hiện tại, hầu hết chủ đầu tư đều thiếu vốn.
Trong cuộc họp gần đây với VSA, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết: “Bộ sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu để cứu ngành thép. Tuy nhiên, cần phải tính toán mức tăng phù hợp để vừa bảo hộ sản xuất phôi thép mà vẫn không ảnh hưởng đến các ngành khác. Hiện tại, nước ta vẫn phải nhập khẩu phôi thép và phụ thuộc thị trường thế giới trong một vài năm tới”. Đồng thời, Bộ Công thương cũng yêu cầu VSA cần thống kê số liệu tồn đọng chính xác các chủng loại thép để đưa ra mức thuế hợp lý.
Vật liệu rẻ, nhà thầu vẫn... run
Giá vật liệu xây dựng liên tục giảm mạnh, từ 10% đến hơn 50% tùy loại, báo hiệu đây đang là thời điểm thích hợp để các chủ đầu tư, người dân triển khai các công trình xây dựng. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các quận 2, 7, Gò Vấp, Tân Bình..., có rất ít công trình xây dựng được triển khai.
Nguyên nhân do nhiều nhà thầu xây dựng đều không dám nhận thầu vì sợ giá vật liệu xây dựng “trở chứng” vào đầu năm 2009. Bên cạnh đó, nhà thầu cũng không còn đủ vốn để mạnh dạn nhận thầu khi đang ở trong tình trạng thiếu vốn.
Dự báo sớm nhất phải đến cuối năm 2009, thị trường bất động sản mới thực sự sôi động trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP