Sốt cát xây dựng

Cập nhật 26/03/2008 09:00

Không chỉ sắt, thép, xi măng, mà đến cát xây dựng - một loại hàng cứ ngỡ trời cho - cũng lên giá từng ngày. Nguồn cát trong nước khan hiếm...

Không chỉ sắt, thép, xi măng, mà đến cát xây dựng - một loại hàng cứ ngỡ trời cho - cũng lên giá từng ngày. Nguồn cát trong nước khan hiếm, cát nhập cũng teo tóp dần, rồi cát nhân tạo bất ngờ lộ diện…

Nhập từ Campuchia, cũng “cháy”!

Theo thống kê của một công ty xây dựng nhiều cao ốc tại TP, bình quân năm 2007 giá các loại cát của ngành xây dựng tăng gần 40%, trong đó cát bê tông từ 110 ngàn đồng/m³ tăng lên 150 ngàn đồng/m³, cát xây tô từ 65 ngàn đồng lên đến 90 ngàn đồng/m³. Nhưng đó là chuyện cũ, chỉ thoáng sau tết, có lúc giá cát vọt trên 200 ngàn đồng/m³!

Thế mà, chưa chắc trả tiền cao sẽ có nguồn hàng ổn định, nhiều vựa kinh doanh cát ở khu vực cầu Bình Điền - Bình Chánh và Nhà Bè cho biết chỉ buôn bán cầm chừng. Anh Đình Cường, chủ vựa cát xây dựng tại khu vực cầu Bình Điền, than vãn: “Chưa bao giờ cát lại sốt như thế! Mỗi ngày một giá, đổ ngày nào thanh toán tiền ngày đó”.

Điều này trái nghịch với năm rồi, vựa anh cung cấp hàng ngàn khối cát cho hàng chục công trình lớn nhưng có khi đến cuối tháng, thậm chí chờ công trình xong mới lấy tiền. Anh Cường kể thêm, trước đây dọc bờ sông khu vực cầu Bình Điền, các bãi tập kết cát vốn nhộn nhịp xe cộ ra vào, thì nay im ắng hẳn dù đang vào mùa cao điểm xây dựng. Tất cả bị tác động bởi sự khan hiếm, tạo nên một cơn sốt khiến giá cát xây dựng đẩy lên cao ngút.

Ở trong nước, lâu nay nguồn cát khai thác trên sông đã bị cấm, tuy có lén lút nhưng không đáng kể, để có nguồn hàng cung cấp cho những khách hàng thân thuộc, nhiều doanh nghiệp phải nhập cát từ Campuchia. Nguồn cát nhập khi đến TPHCM thì giá thành đội lên rất cao vì phải đóng thuế nhập khẩu 20 ngàn đồng/m³, công vận chuyển, xăng dầu… Đó là chưa nói, nhiều lúc bị cò lật kèo, vì có người mua giá cao hơn.

“Hiện nay muốn mua được trước hết phải có người đưa tiền tươi tại nơi giao hàng. Giá cả tùy theo từng ngày, ngày nào người mua nhiều giá cao và ngược lại”, ông Ngọc Bình - người có thâm niên hàng chục năm trong ngành thai thác và kinh doanh cát cho biết. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cát này cũng không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng tại TPHCM.

Vì khan hiếm nên nhiều vựa trộn cát san lấp (cát ít đất nhiều) vào cát xây tô để bán giá cao, hoặc làm ẩu - lấy cát san lấp làm cát xây dựng, dẫn đến tình trạng chất lượng cát không tốt, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình!

Hút hàng máy... nghiền cát

Thủy điện Đắc-tíc có công suất khá lớn 144 MW, vốn đầu tư đến 3.400 tỷ đồng nằm tít trong rừng sâu của tỉnh Đắc Nông. Con đường dẫn vào công trường nay trở nên lầy lội, vì không có đường sông nên việc chở cát từ Bảo Lộc vào phải đi mất cả ngày, có lúc giá thành đội lên 250 ngàn đồng/m³. Tốn kém, đắt đỏ khủng khiếp!

Nhằm giải bài toán hóc búa này, ông Trương Thế Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng - đơn vị cung cấp vật liệu cho thủy điện - đã cho nhập hẳn một máy sản xuất cát nhân tạo của Trung Quốc. “Bỏ ra khoảng 500 ngàn USD mua máy tuy có xót xa, nhưng hiệu quả rất tốt: mỗi giờ sản xuất 100 tấn, nguyên liệu có sẵn từ đá núi nghiền ra nhỏ thành cát, giá thành chỉ 160 ngàn đồng, rẻ hơn rất nhiều nếu phải mua cát”, ông Ngọc nói.

Thật ra cát nhân tạo đã trở nên hết sức phổ biến trên thế giới, tại châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, riêng Hàn Quốc còn nghiền xà bần lại thành cát. Việc dùng cát nhân tạo của nước ta lâu nay cũng chỉ dừng lại cho các công trình thủy điện, vì ở nơi đèo heo hút gió, còn các công trình khác chủ yếu lấy của trời cho, giá rẻ, khỏi phải đầu tư.

Công ty Kiểm định Sài Gòn từng nhận định: “Dùng cát nghiền nhân tạo sẽ tiết kiệm lượng xi măng từ 5% - 19% thay vì dùng cát sông thiên nhiên cho bê tông cùng một mác thiết kế”. Ấy vậy mà thật bất ngờ, hiện nay máy sản xuất cát nhân tạo đã trở nên hút hàng.

Theo Công ty Tân Đại Lợi, đại diện hãng New-Technologies của Nga cung cấp máy sản xuất cát nhân tạo cho biết, sau tết đã bán 2 máy nghiền cát, còn nay ngày nào cũng có người đến hỏi thăm, đặt hàng. Ước tính, trong 3 tháng đầu năm cả nước đã nhập hàng chục loại máy này. Hiện máy sản xuất cát nhân tạo có 3 nguồn, Trung Quốc, châu Âu, nhưng chất lượng tốt nhất lại rẻ là máy nghiền Titan của Nga, giá bán từ 11 - 16 tỷ đồng/chiếc.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh nhận định, điều kiện sản xuất cát nhân tạo ở nước ta rất thuận tiện, vì nguồn nhiên liệu từ đá núi rất phong phú. Chất lượng tốt, giá thành lại rẻ, nhưng đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng khai thác cát tự nhiên dẫn đến việc hở hàm ếch, sạt lở bờ sông. Do vậy, khi giá cát xây dựng tăng chóng mặt cũng là thời cơ cho cát nhân tạo lên ngôi...

Theo Sài Gòn Giải Phóng