Hiện nay, trên thế giới xu hướng sử dụng các sản phẩm từ xi măng sợi như tấm lợp, tấm ốp tường, gạch lát sàn… đang ngày càng được ưu tiên lựa chọn để dần thay thế các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như gỗ, đá nhằm giảm thiểu tác động đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Trước đây, những sản phẩm không có nguồn gốc thiên nhiên được sử dụng phổ biến nhất là tấm lợp pro xi măng do giá rẻ và công nghệ sản xuất đơn giản. Nhưng do sản phẩm này phải sử dụng phụ gia là sợi amiang, một chất có nguy cơ gây ung thư và một số bệnh khác, để làm đông cứng bề mặt sản phẩm nên đã bị nhiều quốc gia ở châu Âu và Nam Mỹ cấm sử dụng.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã sản xuất và đưa vào sử dụng xi măng sợi từ việc sử dụng sợi PVA, một phụ phẩm của ngành công nghiệp dầu mỏ.
Các sản phẩm sản xuất từ xi măng sợi đang được các công ty xây dựng trên thế giới chú trọng sử dụng nhiều, đặc biệt đối với các tòa nhà sinh thái. Ngoài việc có thể bảo vệ môi trường, các sản phẩm này còn có nhiều đặc điểm nổi bật như nhẹ, bền, có thể sơn, cán mỏng…
Vì vậy, các dòng sản phẩm từ xi măng sợi đang được khuyến khích sản xuất tại Việt Nam. Theo dự báo, tiềm năng phát triển của dòng sản phẩm này rất lớn và khả năng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về chất lượng lẫn số lượng.
Chẳng hạn như tại Nhật Bản, nhu cầu sử dụng sản phẩm xi măng sợi đang rất cao, nhưng không có nhiều nhà cung cấp bước chân được vào thị trường này do những yêu cầu khắt khe về chất lượng.
Trong đó, qua nỗ lực nghiên cứu, sản phẩm sản xuất từ xi măng sợi của Công ty Tân Cường Thuận hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chuẩn này và đã xuất khẩu được nhiều lô hàng vào thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, dòng sản phẩm tấm lợp từ xi măng sợi của Việt Nam còn được các thị trường như Hàn Quốc, Algeria, Đài Loan nhập khẩu để ứng dụng vào các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả khả quan trên thị trường thế giới nhưng vẫn có rất ít các công ty xây dựng trong nước muốn sử dụng sản phẩm xi măng sợi do các nhà sản xuất trong nước cung cấp. Thay vào đó, họ nhập khẩu hàng từ Thái Lan để phục vụ cho các công trình đang thi công.
Các nhà sản xuất cũng nhìn nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do DN trong nước đã có sự phát triển nhưng cách biệt về nguồn vốn đầu tư, trình độ, kinh nghiệm và năng lực sản xuất nên chỉ mới có một số ít nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu, còn lại đa số vẫn chưa theo kịp được các nước trên thế giới.
Đồng thời, các sản phẩm xi măng sợi nhập khẩu từ Thái Lan đều được hưởng mức thuế 0% theo cam kết của khu vực mậu dịch tự do ASEAN nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh về giá. Khâu quảng bá sản phẩm đến với thị trường cũng còn hạn chế nên vẫn chưa có nhiều bộ phận dân cư biết đến.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng các DN cần phải đầu tư cao hơn để nâng cao chất lượng đồng thời phải quảng bá sâu rộng để thị trường nhận biết sản phẩm.
Đây là những việc cần làm ngay để sản phẩm có thể tạo chỗ đứng trên thị trường nội địa, vì ngoài Thái Lan, sản phẩm xi măng sợi từ các quốc gia khác vẫn chưa tiến vào thị trường Việt Nam được do còn phải chịu thuế cao.
Nhưng đến năm 2018, theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, mức thuế suất cho các sản phẩm này vào Việt Nam cũng sẽ hạ về 0%.
Lúc đó, sản phẩm của DN trong nước không chỉ cạnh tranh với hàng Thái mà hàng loạt sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand sẽ tràn vào Việt Nam và nếu chiếm được thị phần lớn, DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC