Sẽ quy hoạch lại ngành xi măng

Cập nhật 18/01/2010 14:20

Sau khi có văn bản gửi các tỉnh thành phố ngừng đăng ký các dự án xi măng đến năm 2020, Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu các địa phương cùng các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình triển khai đầu tư các dự án xi măng...

Sau khi có văn bản gửi các tỉnh thành phố ngừng đăng ký các dự án xi măng đến năm 2020, Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu các địa phương cùng các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình triển khai đầu tư các dự án xi măng để làm cơ sở chính xác cho việc lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng trong giai đoạn tới.

Bộ cho biết hiện đang lập quy hoạch phát triển ngành xi măng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 để trình Thủ tướng ký vào khoảng cuối tháng 3 năm 2010. Như vậy, đây là lần thứ tư trong vòng 12 năm, Thủ tướng sẽ phải ký quy hoạch và điều chỉnh vì nguyên nhân sản lượng dư thừa so với nhu cầu cũng như các quy hoạch trước bị phá vỡ.

Theo một nguồn tin, hiện đã có gần 10 dự án nằm ngoài quy hoạch, trong đó một số đang chuẩn bị đầu tư dây chuyền thứ 2, cùng hơn 20 dự án bổ sung sau quy hoạch được phê duyệt.

Xi măng là ngành thu hút đầu tư, tuy nhiên theo một chuyên gia, hiện nay nhiều nhà máy sử dụng các công nghệ lò đứng lạc hậu, phát thải khí độc ra môi trường, vì thế, định hướng của Bộ Xây dựng trong thời gian tới sẽ là chuyển các nhà máy xi măng sang công nghệ lò quay hiện đại.

Sau nhiều năm thiếu hụt, đến nay sản lượng xi măng trong nước đã cân đối được cung cầu và trong thời gian tới sẽ dư thừa với khối lượng lớn. Tuy nhiên việc xuất khẩu xi măng gặp nhiều sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, cả về công nghệ lẫn giá thành. Vì thế, Bộ Xây dựng cho rằng để ổn định cung cầu và phát triển bền vững, quy hoạch lại ngành công nghiệp này là một điều cần phải thực hiện.
 

Hiện nay, ngành xi măng đang đầu tư mới khoảng 40 dự án xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế 42,64 triệu tấn và 17 dự án xi măng lò đứng đang trong quá trình chuyển đổi sang loại lò quay với công suất 1.000 tấn clinker/ngày.

Quy hoạch phát triển ngành xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đưa ra mục tiêu đáp ứng về số lượng, chất lượng, chủng loại xi măng cho nhu cầu trong nước, dành một phần xuất khẩu và nhanh chóng đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG