Sản xuất, kinh doanh thép: Nghịch lý xuất khẩu ngược

Cập nhật 28/05/2008 13:00

Nghịch lý xuất khẩu thép và phôi thép ngược trở lại đang diễn ra. Sự việc trên cần được nhìn nhận và ứng xử như thế nào...

Nghịch lý xuất khẩu thép và phôi thép ngược trở lại đang diễn ra. Sự việc trên cần được nhìn nhận và ứng xử như thế nào?

Xuất khẩu ngược

Một nguồn tin cho hay, một doanh nghiệp (DN) ở Hải Phòng ký xuất khẩu 10.000 tấn phôi thép sang Philippines và Thái Lan và sẽ giao hàng vào đầu tháng 6-2008. Lượng phôi thép tồn của DN này hiện nay vào khoảng 35.000 tấn.

Đang diễn ra hiện tượng xuất khẩu thép và phôi thép với số lượng lớn, mặc dù giá xuất khẩu của Việt Nam chưa vượt quá 900 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá chào bán phôi của Trung Quốc đã gần 1.000 USD/tấn. Trong 4 tháng đầu năm, lượng phôi thép xuất khẩu ước trên 7.280 tấn, chủ yếu sang Thái Lan.

Chỉ mới cách đây mấy tháng, giá thép tăng mạnh từ bình quân trên 11.000 đồng/kg lên 14.000-15.400 đồng/kg, khiến thị trường vật liệu xây dựng lao đao, kéo theo nhiều mặt hàng xây dựng cùng tăng giá. Vào thời điểm đó, giá thép tăng mạnh đã khiến Chính phủ phải vào cuộc để kiểm tra xem có hay không hiện tượng đầu cơ tăng giá. Lý giải việc tăng giá, các DN đều cho rằng, giá phôi thép nhập khẩu thế giới tăng mạnh, giá nhập khẩu bình quân 910-930 USD/tấn, giá nhập khẩu thép phế khoảng 630-640 USD/tấn, do vậy giá thép xây dựng các loại tăng.

Vào thời điểm đó, một số DN sản xuất được phôi thép sẽ chiếm được lợi thế trên thị trường và kiếm được lợi nhuận cao. Trong khi đó, lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm nhập khẩu trong những tháng đầu năm tăng mạnh, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, lượng hàng nhập khẩu này nằm tồn kho tại các cảng trên địa bàn TPHCM rất lớn, đang gây ách tắc do việc giải phóng hàng và container tại các cảng khó khăn.

“Trăm hoa đua nở”: Khủng hoảng thừa!

Nghịch lý trên, chính là do trong quá trình vừa qua sản xuất thép trong nước tăng sản lượng và cũng tăng giá mạnh theo thị trường.

Tuy nhiên, do tình hình siết chặt thị trường tiền tệ để chống lạm phát của Chính phủ, các hoạt động xây dựng cơ bản, nhiều dự án xây dựng bất động sản hiện nay đang án binh bất động, nhu cầu sử dụng thép giảm. Tháng 4-2008, lượng thép tiêu thụ giảm 9% so với tháng 3-2008, trong khi đó lượng thép và phôi thép nhập khẩu về nhiều.

Đồng thời, các nhà máy sản xuất trong nước, nhất là các đơn vị thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam đã tăng tốc sản xuất để nỗ lực đưa thép ra thị trường bình ổn giá, với mức thép xây dựng tăng tới 37,3% và phôi thép tăng trên 17%. Một số dự án mở rộng năng lực sản xuất như gang thép Lào Cai, dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Thép Thái Nguyên... đang được thúc đẩy để sớm đi vào hoạt động.

Hiện nay, các nhà máy sản xuất thép khó bán được hàng, lượng thép xây dựng cũng đang có xu hướng tồn kho lớn. Trong khi đó, việc siết chặt thị trường tiền tệ đã khiến nhiều DN trong khâu phân phối không vay được vốn để mua hàng dự trữ, không giải phóng được hàng nhập khẩu đã về cảng, bản thân các DN sản xuất thép và phôi thép cũng không đủ vốn để dự trữ hàng nên phải xuất khẩu và tái xuất khẩu các lô thép đã nhập khẩu nhằm tránh lỗ lã.

Đâu là chiến lược cấp quốc gia?

Đáng lưu ý, việc tái xuất các mặt hàng có tính chiến lược không chỉ diễn ra ở mặt hàng thép và phôi thép mà còn đang diễn ra ở mặt hàng phân bón, xăng dầu (xuất lậu sang biên giới do giá trong nước thấp hơn giá các nước bên cạnh)... Một số kiến nghị đến Chính phủ đề nghị tăng thuế xuất khẩu để tránh tình trạng xuất ngược, có thể dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế chung trong thời gian tới.

Và, một điều mà nhiều chuyên gia lo ngại, các chính sách điều hành kìm giữ giá cả đang có tác dụng nhất định, tình hình kinh tế có thể nhanh chóng ổn định trở lại và các dự án bất động sản, xây dựng cơ bản sẽ hoạt động trở lại. Như vậy, lượng thép cần khi đó rất lớn và các DN lại phải nhập khẩu với giá cao, giá thép thành phẩm tất nhiên cũng phải tăng cao.

Chính vì vậy, ngành thép đã kiến nghị cần có những biện pháp ứng phó kịp thời với tình trạng xuất khẩu phôi thép như hiện nay, vì năng lực sản xuất trong nước thực tế thấp hơn so với nhu cầu. Do vậy, những chính sách tài chính hợp lý để hỗ trợ việc dự trữ phôi thép trong một thời gian nhất định là cần thiết và cấp bách. Đồng thời, cần tạo thuận lợi để các dự án đầu tư mới, như dự án đầu tư thép hợp kim của Tổng Công ty Thép Việt Nam, sớm được triển khai và đưa vào hoạt động; tạo thuận lợi để cho phép các DN nhập khẩu thép phế làm nguyên liệu sản xuất; ưu tiên cung cấp điện cho các dự án sản xuất phôi thép vào giờ cao điểm...

Một chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời sẽ tạo điều kiện cho quá trình vận hành nền kinh tế chung sau này hiệu quả, có lẽ bắt đầu từ việc xem xét nghịch lý xuất khẩu ngược phôi thép ra nước ngoài hiện nay.

Theo Sài Gòn Giải Phóng