Trên diễn đàn Quốc hội kỳ này có ý kiến đại biểu cho rằng: “Đến lúc ngành điện trở thành… nạn nhân của nhiều ngành công nghiệp khác như than, xi măng, thép do lượng tiêu thụ điện năng quá lớn”.
Trên diễn đàn Quốc hội kỳ này có ý kiến đại biểu cho rằng: “Đến lúc ngành điện trở thành… nạn nhân của nhiều ngành công nghiệp khác như than, xi măng, thép do lượng tiêu thụ điện năng quá lớn”.
Có ý kiến khác lại cho rằng: “Chỉ riêng ngành xi măng và thép đã ngốn gần hết 18% công suất điện toàn quốc”. Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xung quanh vấn đề này.
* Thưa Thứ trưởng, Bộ Xây dựng với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về ngành công nghiệp VLXD - ông có ý kiến gì về những thông tin và số liệu vừa nêu?
Ngay khi nhận được thông tin nêu trên, Vụ quản lý VLXD của Bộ Xây dựng đã kiểm tra, đồng thời đã đối chiếu với số liệu của Hiệp hội xi măng về lượng tiêu hao điện năng của toàn ngành công nghiệp xi măng để báo cáo lãnh đạo Bộ. Theo đó, suất tiêu thụ điện cho 1 tấn xi măng vào khoảng 98KWh. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cho tổng sản lượng xi măng của cả nước là 50 triệu tấn thì thấy tiêu thụ điện của toàn ngành xi măng trong năm 2010 này vào khoảng 4,9 tỷ KWh điện. Trong khi đó, theo số liệu dự báo của EVN, năm nay cả nước sẽ tiêu thụ 85 tỷ KWh, như vậy tỷ lệ tiêu hao điện của toàn ngành xi măng trong năm 2010 chỉ chiếm 5,7%. Với một ngành công nghiệp quốc kế dân sinh quan trọng, vốn mệnh danh “bánh mì của ngành Xây dựng” như xi măng thì tỷ lệ 5,7% không nên vội đánh giá là quá cao. Từ đó suy ra, những kết luận khác dựa trên số liệu không chính xác đều có thể nói là vội vàng, chủ quan…
Phải chăng Thứ trưởng đang muốn nhắc tới luồng thông tin cho rằng năng lực quy hoạch công nghiệp xi măng và công tác dự báo tiêu thụ trong nhiều năm qua không bám sát được thực tiễn đời sống xây dựng? Dự kiến năm 2010, lượng than cám phục vụ ngành sản xuất xi măng là 4,9 triệu tấn, lượng than cám C3 là 4,8 - 5 triệu tấn. Con số này chiếm 24,5% tổng số than tiêu thụ nội địa.
Cũng trên diễn đàn Quốc hội, ý kiến của đại biểu cho rằng quy hoạch xi măng phải điều chỉnh tới 4 lần trong vòng 10 năm, dự báo tiêu thụ không sát, xi măng đang dư thừa… Bộ Xây dựng cho rằng, phải có trách nhiệm thông tin lại một cách chính xác, phản ánh đúng bản chất của hiện tượng trên. Nói đúng ra, ý kiến đó không xác đáng, và không có cơ sở! Vì sao ư? Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp xi măng đến 2010 thì 5 năm sau - tức 2002, khi thị trường có những biểu hiện cho thấy dự báo đưa ra năm 1997 có phần khiêm tốn, dù năng suất sản lượng xi măng lúc ấy đã tăng vọt nhưng mức tiêu thụ tăng rất cao, nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng rất tốt - Chính phủ mới chỉ đạo thực hiện điều chỉnh lại quy hoạch xi măng.
Đến năm 2005, do tiến trình CNH, HĐH cùng với nhiều yêu cầu mới nảy sinh, nhiều lĩnh vực mới xuất hiện đòi hỏi ngành xi măng phải tiếp tục nâng sản lượng (như phát triển giao thông, xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng dân dụng và công trình công nghiệp, các ngành vật liệu mới trong đó có vật liệu không nung.v.v..) Thủ tướng yêu cầu xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng lần thứ hai. Quyết định điều chuyển lần này do bản chất là thiếu xi măng phục vụ các ngành công nghiệp quốc kế dân sinh quan trọng chứ hoàn toàn không phải vì dư thừa xi măng. Mặc dù vậy, tôi xin khẳng định, trong suốt tiến trình kể trên, các số liệu dự báo cung - cầu khá chính xác và khớp với diễn biến thị trường. Những giai đoạn đặt ra yêu cầu đột phá, tăng tốc để phục vụ tiến trình tăng trưởng kinh tế của đất nước đang theo chiều đi lên thì buộc phải điều chỉnh, đó là sự vận động đúng quy luật phát triển một cách chủ động, quyết đoán nên không thể gọi là yếu kém được. Năm 2010 này, tức là đúng chu kỳ 5 năm, đương nhiên chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng quy hoạch mới cho giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, đó là việc ngành nào cũng phải thực hiện chứ không riêng gì xi măng.
* Thưa Thứ trưởng, thực tế năm 2010 này các DN xi măng đã thực hiện xuất khẩu được 1 triệu tấn. Không dư thừa, sao lại phải xuất khẩu?
Điều đó là sự thật và không có gì mâu thuẫn! Thị trường xi măng Việt Nam có những đặc thù riêng biệt như: Mỏ nguyên liệu chủ yếu tập trung ở miền Bắc nhưng lượng tiêu thụ ở miền Nam lại chiếm đến 50% sản lượng; chưa kể mùa tiêu thụ trên cả hai miền đều phân định rõ rệt nên tính cả năm sẽ có lúc thừa lúc thiếu; rồi việc vận chuyển vào thị trường miền Nam không phải lúc nào cũng thuận tiện nên trong từng tình huống cụ thể, DN xi măng phải tìm thị trường để phát huy công suất đầu tư là chuyện không khó hiểu. Nên biết, năm 2010 lượng xi măng xuất khẩu là 1 triệu tấn nhưng vẫn phải nhập khẩu đến 2 triệu tấn. Điều đó khẳng định xi măng không dư thừa như lời đồn.
Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh: tồn kho xi măng trên cả nước hiện nay chỉ tương đương 10 ngày sản xuất. Nghĩa là sao? Câu trả lời là sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó! Xi măng không hề thừa… Lượng dự trữ 10% của các DN là để phục vụ việc luân chuyển cho thị trường miền Nam là nhiệm vụ chính. Mặt khác, giá bán xi măng trong suốt 10 năm qua cũng rất ổn định, tham gia tích cực vào tiến trình bình ổn giá của Chính phủ. Ngành xi măng và công tác quản lý nhà nước đều đáp ứng đúng lộ trình dự báo cũng như thực tiễn phát triển.
Thực tế cho thấy, đúng là công tác xây dựng quy hoạch cũng cần phải hướng tầm nhìn lớn hơn nữa. Trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, công suất thiết kế của các nhà máy phải được dự báo cao hơn ít nhất 5% và trong khoảng 5 - 10%.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng