Công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò và vị trí quan trọng ở nước ta, là một trong số ngành công nghiệp chủ đạo thúc đẩy nền kinh tế quốc dân tăng trưởng. Năm 2006, Viện vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng đã được Nhà nước giao nhiệm vụ lập “...
Công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò và vị trí quan trọng ở nước ta, là một trong số ngành công nghiệp chủ đạo thúc đẩy nền kinh tế quốc dân tăng trưởng. Năm 2006, Viện vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng đã được Nhà nước giao nhiệm vụ lập “ Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020” đã được Chinh phủ phê duyệt tại quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008.
Theo báo cáo Viện Vật liệu xây dựng- Bộ Xây dựng thì khoáng sản làm VLXD ở nước ta phong phú và đa dạng có khả năng sử dụng để phát triển hầu hết các chủng loại VLXD từ thông thường đến cao cấp nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các chủng loại vật liệu như: đá vôi, đất sét, phụ gia cho sản xuất xi măng, đất sét cho sản xuất gạch ngói, gốm sứ, đá, cát sỏi cho sản xuất bê tông; cát làm vữa xây dựng, sét chịu lửa, cao lanh, pirofilit, fenspat, pecmatit cho sản xuất gốm sứ xây dựng; cát trắng cho sản xuất thủy tinh, kính xây dựng, đá cho sản xuất đá ốp lát… các khoáng sản trên là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển sản xuất VLXD ở nước ta.
VLXD cát, sỏi, xi măng nhu cầu thiết yếu cho các công trình xây dựng. |
Tổng hợp số liệu điều tra của ngành Địa chất, ngành Công nghiệp, đến nay tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở nước ta đã được phát hiện và thăm dò ở nhiều mức độ khác nhau gồm gần 3000 mỏ, trong đó lượng các mỏ khoáng sản nguyên liệu cho sản xuất xi măng, gốm sứ và thủy tinh xây dựng khoảng trên 1000 mỏ.
Nước ta đã gia nhập thị trường WTO, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đã mang lại nhiều cơ hội đồng thời cả những thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong nước. Vì thị trường Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ là thị trường mở, có xuất khẩu và nhập khẩu với mức độ cạnh tranh cao.
Theo các chuyên gia kinh tế thì thị trường VLXD nước ta sẽ phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới bởi vì: sự phát triển kinh tế quốc dân theo định hướng kinh tế- xã hội đến năm 2020 mở ra hướng phát triển xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng (các công trình giao thông đường bộ, cầu cống, bến cảng, các công trình thủy điện, thủy lợi, các khu công nghiệp, khu chế xuất ) xây dựng mới và nâng cấp các hệ thống đô thị và xây nhà ở của nhân dân trên toàn lãnh thổ (dự báo đến năm 2020 tỷ lệ đô thị Việt Nam sẽ tăng lên đến 45,24%).
Hơn nữa, sự phát triển các nhà ở cao tầng không chỉ mang lại một thị trường rộng lớn cho sự phát triển của ngành xây dựng mà còn thúc đẩy phát triển các sản phẩm VLXD cao cấp, chất lượng và đa dạng hơn. Mặt khác, việc cải tạo nhà ở cũ của nhân dân khi đời sống của họ được nâng cao cũng sẽ đòi hỏi một khối lượng lớn về VLXD.
Và như thế, trong giai đoạn tới một số chủng loại VLXD như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng sẽ có điều kiện phát triển và xuất khẩu vì nhu cầu về các sản phẩm này của các nước đang phát triển ngày một tăng. Do đó, thời gian tới nhu cầu các chủng loại VLXD ngày càng tăng sẽ tạo điều kiện cho sản xuất VLXD phát triển và thị trường VLXD ở Việt Nam sẽ có quy mô ngày một lớn và tốc độ tăng trưởng cao.
Theo như dự báo thì nhu cầu VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 là cần rất lớn, cụ thể như lượng xi măng đến năm 2010 cần từ 50,63 đến 55, 69 triệu tấn; năm 2015 là 79,70 đến 87,67 triệu tấn, đến năm 2020 cần từ 101,7 đến 111,8 triệu tấn. Gạch gốm ốp lát, năm 2010 cần 200-212 triệu m2, năm 2015 là 291-313 triệu m2, năm 2020 là 400 - 418 m2. Các chủng loại khác như: sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng nhu cầu cũng đều tăng.
Theo tiến sỹ Lương Đức Long - Phó viện trưởng Viện VLXD-BXD: Định hướng quy hoạch phát triển các chủng loại VLXD đến năm 2020 là tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như: xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây lợp, đá xây dựng, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện, đồng thời chú trọng phát triển phát triển các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Ông Lương Đức Long khẳng định: Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD đến năm 2020 đã được Thủ tường Chính phủ phê duyệt là công cụ giúp các nhà quản lý trong công tác điều hành phát triển ngành công nghiệp VLXD phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là căn cứ cho việc xây dựng các quy hoạch phát triển VLXD ở các vùng, các địa phương và quy hoạch phát triển các chủng loại VLXD. Quy hoạch trên còn là căn cứ cho các nhà sản xuất, kinh doanh VLXD trong việc chuẩn bị xây dựng các kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất VLXD đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng