Thị trường thép tiếp tục tồn tại nhiều bất hợp lý: sức mua kém nhưng giá vẫn tăng; một số doanh nghiệp (DN) phải xuất khẩu phôi thé...
Thị trường thép tiếp tục tồn tại nhiều bất hợp lý: sức mua kém nhưng giá vẫn tăng; một số doanh nghiệp (DN) phải xuất khẩu phôi thép, số khác lại nhập về để sản xuất.
Bộ Công thương đang tìm các biện pháp để giải quyết tình trạng này.
Tăng giá đón đầu
Hơn một tháng qua, DN sản xuất thép phía Nam đã tăng giá ba lần. Tăng mạnh và nhiều nhất là Vina Kyoei và Pomina. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy của Pomina là 17,247 triệu đồng/tấn, thép cây xấp xỉ 17,536 triệu đồng/tấn. Còn thép cuộn của Vina Kyoei khoảng 17,337 triệu đồng/tấn, thép cây chừng 17,431 triệu đồng/tấn. Mức giá này khi đến tay người tiêu dùng sẽ cộng thêm trung bình 200.000-300.000 đồng/tấn do phải mua qua các cửa hàng bán lẻ.
Các DN nói dù sức mua có xu hướng giảm nhưng vẫn phải tăng giá bán vì giá phôi thép thế giới đang tăng mạnh. DN cũng cho rằng giá bán thép thời gian qua được tính dựa trên mức bình quân từ giá phôi nhập khẩu cũ cộng với giá phôi nhập khẩu mới, chứ không thể bán thép với giá phôi mua được lúc rẻ do còn phải tái tạo vòng vốn sản xuất. Do vậy, dù DN có mua được phôi thép giá thấp vẫn phải tính giá bán thép theo giá phôi thép trên thị trường để khi vòng tiền quay về vẫn đủ để mua phôi giá cao.
Việc tăng giá đón đầu này được nhiều DN thực hiện vì giá phôi thép liên tục tăng, trong khi từ lúc ký hợp đồng nhập khẩu đến khi thép về nhà máy để đưa vào sản xuất mất hơn hai tháng. Như giá thép ở thời điểm ký hợp đồng nhập khẩu là cuối tháng 12-2007 trên 630 USD/tấn, hàng sẽ về sau hơn hai tháng, tức khoảng tháng 3-2008. Thế nhưng ở thời điểm tháng 3-2008, giá phôi thép là 830 USD/tấn, các DN đã dùng luôn mức giá này để tính giá bán thép ở trong nước, dù đang sản xuất bằng phôi nhập có giá 630 USD/tấn.
Tương tự, lúc này dù đang sản xuất bằng phôi thép nhập theo giá 830 USD/tấn nhưng DN đã bán thép theo giá phôi thép hiện nay là 1.140-1.180 USD/tấn. Thực tế hiện nay các DN ít nhập phôi thép theo giá này, và nếu có nhập phải đến tháng 8-2008 hàng mới về VN. Nhưng ở thời điểm này, giá bán thép đã được "cơ cấu" trước với mức giá trên trời, hơn 1.100 USD/tấn.
Nhập phôi giá cao, bán phôi giá rẻ
Trong khi các DN sản xuất thép phải nhập khẩu phôi thép với giá cao, một số DN trong nước sản xuất phôi thép lại phải tìm đường... xuất khẩu. Nghịch lý này đã được Hiệp hội Thép VN (VSA) báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch VSA, tính đến giữa tháng 6-2008 các DN đã xuất khẩu khoảng 105.000 tấn phôi thép, trong đó lượng phôi xuất khẩu mười ngày đầu của tháng sáu lên đến 37.000 tấn, hơn gấp đôi lượng phôi thép đã xuất trong tháng năm.
Lý do DN phải xuất khẩu phôi thép, theo VSA, là do các công trình xây dựng giảm, ngân hàng giảm cho vay khiến mức tiêu thụ thép giảm. Cũng theo ông Cường, việc mua ngoại tệ để trả cho nguyên liệu sản xuất cũng khó khăn, giá lại chênh so với giá do ngân hàng niêm yết, vì thế DN phải chọn đường xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu để có vốn kinh doanh và trả nợ. So với giá phôi thép nhập khẩu hiện nay, giá phôi thép xuất khẩu từ VN rẻ hơn khoảng 100 USD/tấn.
Theo ông Trần Thanh Hiền - tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Vạn Lợi (Hải Phòng), DN xuất khẩu phôi thép sang Thái Lan và Philippines, công ty ông đã từng chào bán phôi thép cho một số DN trong nước nhưng không bán được vì "họ không vay được tiền". Trong khi DN được chào mua thép cho rằng "họ nói có hàng nhưng phải đến... hai tháng sau mới có phôi để giao vì phải bán cho các hợp đồng đã ký trước đó”.
Dù đã có cảnh báo việc xuất khẩu phôi và tái xuất nguyên liệu thép là không bình thường vì sẽ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu sản xuất trong những tháng tới, nhưng nếu không có giải pháp gỡ khó thì phôi thép cứ tiếp tục... lên đường xuất ngoại.
Theo số liệu của Bộ Công thương, đến nay đã có khoảng 100.000 tấn phôi thép được xuất khẩu, trong đó có 26.000 tấn thép nhập khẩu đang trên đường về đã quay đầu xuất ra nước ngoài.
Theo Tuổi Trẻ