Nhiều dự án hạ tầng đình trệ

Cập nhật 01/04/2008 08:00

Giá vật tư tăng chóng mặt và những vướng mắc do công trình ngầm khi đào đường là nguyên nhân chính khiến nhiều công trình xây dựng..

Giá vật tư tăng chóng mặt và những vướng mắc do công trình ngầm khi đào đường là nguyên nhân chính khiến nhiều công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại TP.HCM trong thời gian qua bị ngưng trệ, hoặc thi công cầm chừng...

Ngừng thi công vì giá vật tư

Nhu cầu phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM hiện thuộc hàng lớn nhất nước do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư mới ra đời. Thế nhưng, quá trình thực hiện các công trình cấp nước vốn đã gặp khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi giá vật tư xây dựng tăng cao. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An, thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) than: "Giá các loại vật tư của ngành cấp nước (ống nhựa, phụ tùng gang, xi măng, nhựa đường...) đã đồng loạt tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước cho người dân".

Ông Hiệp cho biết đối với những gói thầu đang làm giữa chừng mà giá vật tư tăng, thì xí nghiệp (chủ đầu tư) có thể "bắt ép" nhà thầu phải làm cho xong, vì chủ đầu tư đã tạm ứng 20% giá trị hợp đồng cho nhà thầu trước khi biến động giá. Phần nhiều các nhà thầu chấp nhận tiếp tục thi công, nhưng vẫn có một số kêu than và không chịu làm nữa.

Ông Phạm Xuân Lộc, Trưởng ban quản lý dự án thuộc Xí nghiệp cấp nước Trung An cho biết cụ thể về một số dự án bị ngưng trệ như: dự án phát triển mạng lưới cấp nước P.15, Q.Gò Vấp; dự án phát triển mạng lưới cấp nước khu phố 10, P.12, Q.Gò Vấp; dự án phát triển mạng lưới cấp nước đường Lê Đức Thọ (đoạn từ cầu Cụt đến đến Phạm Văn Chiêu), P.13, Q.Gò Vấp. Những dự án này đang thi công giữa chừng nhưng các nhà thầu ngừng thi công và có đơn xin điều chỉnh giá trị hợp đồng. Ông Lộc còn cho biết, một số dự án đến nay vẫn còn "ăn Tết" (từ Tết Mậu Tý đến giờ chưa chịu thi công) do nhà thầu thiếu hụt kinh phí.



Công trình xây dựng cảng sông
Phú Định còn nhiều gói thầu chưa
chọn được nhà thầu thi công
do
biến động giá vật tư .

Chờ điều chỉnh giá

Giám đốc một công ty xây dựng cầu đường và hạ tầng khu công nghiệp có trụ sở tại đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh (xin giấu tên) tính toán: Giá gạch xây tăng từ 400 đồng/viên lên 1.200 đồng/viên, thép tròn tăng từ 10.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, xi măng Hà Tiên tăng từ 51.000 đồng/bao lên 57.000 đồng/bao... khiến giới thầu xây dựng như ngồi trên lửa. Vị giám đốc này tiết lộ: "Đa phần các nhà thầu không "bỏ hẳn" mà đang nằm chờ điều chỉnh giá".

Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Công chính TP.HCM - tính: "Có những loại vật tư trong hợp đồng chủ đầu tư chỉ thanh toán cho nhà thầu 5.000 đồng thì nay thị trường đã tăng lên 15.000 đồng, tức tăng gấp 3 lần khiến nhà thầu không có tiền để mua. Ngoài ra, việc điều chỉnh đơn giá nhân công từ ngày 1.1.2008 cũng khiến giá trị sản phẩm làm ra không đủ bù chi". Theo ông Toàn, tất cả những công trình hạ tầng thuộc diện thi công trên 1 năm đều rơi vào tình trạng trên.

Một số nhà thầu quả quyết, với tình hình vật giá leo thang, giá nhân công tăng, việc thi công các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông bây giờ chỉ từ huề cho tới lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các công ty xây dựng không muốn tham gia đấu thầu các dự án mới.

Trước tình hình này, khó khăn lại chồng lên các dự án đang triển khai. Như ở dự án xây dựng cảng sông Phú Định (cảng sông lớn nhất Việt Nam) có 10 gói thầu, nhưng hiện nay có 4 gói thầu đã tổ chức đấu thầu rồi nhưng chưa chọn được nhà thầu.

Ông Phan Trọng Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng sông TP.HCM cho biết, lý do là không có nhà thầu nào tham gia, hoặc không đủ số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu (chỉ có 1 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu). Nguyên nhân của tình trạng này là giá vật tư xây dựng tăng đột biến khiến tiến độ dự kiến bị phá vỡ. Hai gói thầu khác của dự án này cũng phải điều chỉnh lại dự toán do giá cả vật tư hệ thống điện và cấp thoát nước biến động.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, theo chủ trương của UBND TP.HCM và Sở Xây dựng mới đây, chủ đầu tư sẽ căn cứ vào hóa đơn thực tế của các nhà thầu để thanh toán đơn giá. Tuy nhiên, thành phố lưu ý chủ đầu tư và cả nhà thầu phải trung thực trong việc tính toán hóa đơn.

Vướng công trình ngầm

Bên cạnh khó khăn do giá vật tư, giá nhân công tăng cao, khó khăn luôn khiến các nhà thầu đặc biệt lo ngại là thi công bị vướng các công trình ngầm.

Công ty quản lý công trình giao thông Sài Gòn, nhà thầu thi công gói thầu xây dựng đường vào cảng, thuộc dự án xây dựng cảng sông Phú Định (Q.8, TP.HCM) đã phải tạm ngưng thi công gói thầu này vì phát hiện đường dây điện ngầm khi tiến hành đào nền đường. Còn ở các dự án vệ sinh môi trường đang thi công ồ ạt tại khu vực nội thành TP.HCM hiện nay, việc đào đường "đụng" phải cáp điện, đường ống cấp và thoát nước là chuyện thường ngày.

Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết, khi thi công tuyến cống thoát nước trên đường Nguyễn Cửu Vân (Q.Bình Thạnh), nhà thầu đào gặp phải rất nhiều công trình ngầm, không đúng như trong hồ sơ thi công, như tuyến ống cấp nước D200, D150, đường cáp điện thoại, tuyến cáp điện ngầm của thành phố chạy dọc theo tuyến. Hệ thống cáp điện không thể di dời được, nên nhà thầu phải thay đổi phương án thi công bằng cách dịch chuyển tuyến cống thiết kế, đồng thời di dời hệ thống cấp nước.

Hay như trên đường Nguyễn Kiệm, khi thi công gói thầu 12B1 của dự án, nhà thầu cũng bị vướng công trình ngầm. Chị Phan Hoàng Diệu, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè phân trần: "Trước khi thi công, chúng tôi đều có mời các chủ công trình ngầm đến để thông báo sẽ thi công, để họ cập nhật thông tin, số liệu. Một mặt, nhà thầu cũng tiến hành đào thăm dò trước khi đào chính thức. Dù vậy, vướng công trình ngầm vẫn xảy ra. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời giờ để giải quyết vướng mắc này. Như để di dời đường cáp điện, nhà thầu phải lập phương án, chuyển cho Công ty điện lực xem xét, tính toán... rất mất thời gian".

Theo lời chị Phan Hoàng Diệu, các gói thầu xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước của dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang bắt đầu thi công và thời gian thi công kéo dài đến tháng 9.2009. Những vướng mắc này nếu không được giải quyết nhanh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Đây là dự án sử dụng vốn vay không lãi của Ngân hàng Thế giới (WB) trong 40 năm, ân hạn 10 năm. Nếu như gói thầu nào bị chậm, thì WB sẽ cắt vốn vay gói thầu đó.

Theo ông Nguyễn Xuân Cầu, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức, Bộ Xây dựng có 2 Thông tư số 03 và 05 về điều chỉnh giá nhân công, vật tư đã giải tỏa một phần khó khăn cho việc thi công các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng sông TP.HCM thông báo giá quý I/2008 vẫn không theo sát được giá vật tư thực tế trên thị trường, đồng thời lạm phát đang ở mức cao, đặc biệt trong đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong tháng 2 vừa qua càng làm cho giá vật tư xây dựng tăng cao hơn nữa. Ông Đoàn kiến nghị UBND thành phố sớm có văn bản hướng dẫn việc bù chênh lệch giá vật liệu nhằm đảm bảo các gói thầu có thể triển khai thực hiện.


Theo Thanh Niên