Nghịch lý thị trường đồ gỗ nội địa

Cập nhật 08/07/2009 13:30

Trong khi Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp đồ gỗ cho thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhưng thị trường đồ gỗ nội địa lại hầu như nhường "sân" cho hàng nhập khẩu...

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM. Ảnh: Hồng Văn

Trong khi Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp đồ gỗ cho thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhưng thị trường đồ gỗ nội địa lại hầu như nhường "sân" cho hàng nhập khẩu. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trao đổi với ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) xung quanh nghịch lý này.

* Thưa ông, thị trường đồ gỗ nội thất trong nước hiện nay đang bị hàng nhập từ Trung Quốc lấn át, phải chăng các doanh nghiệp gỗ trong nước không nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam hay mải chạy theo xuất khẩu theo đơn hàng của nước ngoài?

- Ông Đặng Quốc Hùng: Đây là một nghịch lý nhưng nó cũng thể hiện quy luật “nước chảy vào chỗ trũng” của thị trường. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU mà còn xuất khá nhiều sang Trung Quốc. Theo tôi biết thì hàng năm, Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc hàng trăm triệu đô la Mỹ đồ gỗ.

Phần lớn hàng nội thất của Việt Nam bán sang Trung Quốc là hàng cao cấp, dành cho người có thu nhập cao, làm từ nguyên liệu gỗ cứng, gỗ có giá trị cao như gỗ giáng hương, kết hợp với chạm trổ tinh xảo, tức đồ gỗ kết hợp với mỹ nghệ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc thì bán đồ gỗ nhiều sang Việt Nam chủ yếu ở phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, với sản phẩm làm từ nguyên liệu gỗ MDF và gỗ tạp có giá rẻ. Do vậy mà hàng nội thất giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến đồ gỗ giá thấp của Trung Quốc chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam là do chính các doanh nghiệp chúng ta ít chủ động sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Dù là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhưng phần lớn các doanh nghiệp lại làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài, mà các nước phát triển thì lại tiêu thụ hàng trung và cao cấp, làm từ nguyên liệu gỗ tốt. Do vậy, doanh nghiệp trong nước không quen tự tìm hiểu thị trường nội địa và làm đồ gỗ cho khách hàng nội địa.

Ngoài ra, hàng nội thất của Trung Quốc có giá rẻ còn do họ làm số lượng lớn và tiết giảm nhiều chi phí sản xuất. Chẳng hạn một nhà xưởng tiền thuê 100 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp Việt Nam thường làm một ca, cho ra 1.000 sản phẩm nhưng với doanh nghiệp Trung Quốc, họ làm 2-3 ca, cho ra 2.000 - 3.000 sản phẩm thì giá thành sản phẩm của họ sẽ thấp hơn là điều dễ hiểu.

Phần đông doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện sản xuất một ca, một số ít sản xuất 2-3 ca vào mùa cao điểm.

* Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đang xây dựng hệ thống phân phối ở thị trường nội địa, hướng đến hai mục tiêu vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa. Theo ông, liệu điều này có giúp cho chúng ta quay lại và chiếm lĩnh thị trường nội địa?

- Nhiều doanh nghiệp gỗ gần đây đã quay lại thị trường trong nước bằng hình thức mở cửa hàng, siêu thị nội thất hay xây dựng mạng lưới đại lý để bán lẻ nhưng thực ra, các doanh nghiệp vẫn bán lẻ theo kiểu bán sỉ, tức chọn phân khúc mua hàng khối lượng lớn là văn phòng công ty, cơ quan nhà nước, khách sạn, khu du lịch, không khác nhiều lắm so với xuất khẩu hàng loạt. Vẫn còn quá ít doanh nghiệp chọn phân khúc bán lẻ cho quy mô nhỏ ở hộ gia đình.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chúng ta còn có tư tưởng làm từ A tới Z, tức tự mình sản xuất và sau đó tự mình đi phân phối. Theo tôi không nên như vậy, nếu mở một vài cửa hàng bán lẻ thì còn may ra, chứ nếu đi vào phân phối quy mô lớn thì cần nhà phân phối chuyên nghiệp chứ nhà sản xuất không nên tự mình làm tất cả.

Giống như một doanh nghiệp tự sản xuất và đi bán 50 cái bàn thì giá khác với một nhà phân phối nào đó nhận hàng của nhiều nhà sản xuất và bán một lúc hàng trăm, hàng ngàn cái bàn. Không chỉ rẻ về giá mà nhà phân phối nắm nhiều hàng còn có lợi thế trong đàm phán, mua bán với người tiêu dùng.

Mặt khác, doanh nghiệp rành về sản xuất lại đi mở hệ thống phân phối thì đến một lúc nào đó sẽ nản lòng, vì chi phí đầu tư cho phân phối quá cao và cạnh tranh không lại những nhà phân phối chuyên nghiệp. Bây giờ doanh nghiệp này thấy doanh nghiệp kia mở cửa hàng bán đồ gỗ trong nước cũng bắt chước làm theo. Đây là điều rất không nên trong một thị trường nội thất cạnh tranh gay gắt cả trong lẫn ngoài nước.

* Vậy đây có phải là lý do mà Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đang dự tính lập một công ty cổ phần chuyên phân phối đồ gỗ trong nước?

Công ty cổ phần Liên Minh (gọi tắt là Công ty Hawa) do hội thành lập cách nay 3 năm chỉ để chuyên làm nhiệm vụ tiếp thị, xúc tiến xuất khẩu gỗ, tổ chức các sự kiện thương mại hay hội chợ đồ gỗ Vifa. Nếu công ty Hawa mà lại đi làm gỗ, dẫm chân lên chính các doanh nghiệp hội viên thì không nên, nên chúng tôi chọn công ty Hawa đi làm “tiếp liệu”, như một cách tiếp sức cho doanh nghiệp hội viên.

Từ mô hình này, chúng tôi dự tính thành lập riêng một công ty cổ phần do chính các hội viên góp vốn để chuyên làm nhiệm vụ phân phối, như một tổng đại lý. Cái khó nhất hiện nay không phải là tiền vốn thành lập công ty mà là cần có những con người chuyên làm thương mại đồ gỗ và kiếm những chuyên gia này không phải dễ, vì ngành gỗ chúng ta lâu nay quen sản xuất hơn là thương mại.

* Xin cảm ơn ông!

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG