BĐS đóng băng không chỉ khiến các nhà đầu tư lao đao mà còn kéo thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) “chìm” cùng. Những con số không khả quan của ngành này trong năm 2011 đã khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch thường trực Hội VLXD, cho rằng “cơn đau” này là cần thiết.
* Ông có thể cho biết nhận định chung về sự khó khăn của các doanh nghiệp ngành VLXD hiện nay?
Ông NGUYỄN QUANG CUNG: - Các doanh nghiệp VLXD đang phải đối mặt với khó khăn vô cùng lớn. Xuất khẩu hạn chế, cạnh tranh từ VLXD nước ngoài, thị trường BĐS đóng băng khiến nhu cầu sử dụng vật liệu ít đi, nguồn vốn hạn hẹp…
Điều này đã được thể hiện rõ trong năm 2011, khi xi măng tiêu thụ chỉ bằng năm 2010, gạch, ngói, gốm sứ chỉ bằng khoảng 60%... Nhưng tôi không cho rằng đó là thất bại. Thực tế, thất bại ấy chỉ là tạm thời, về lâu về dài chúng ta sẽ được nhiều hơn mất.
Nhiều doanh nghiệp BĐS hiện nay chỉ hoạt động 30-40% công suất.
|
Cụ thể, sự khó khăn của thị trường sẽ bộc lộ những sai sót trong phát triển của ngành. Nói cách khác, chúng ta đang có cơ hội nhìn lại khiếm khuyết để điều chỉnh.
Thí dụ, thị trường BĐS đã có thời gian phát triển quá nóng, doanh nghiệp khi đầu tư chỉ nghĩ đến bước tiến mà không nghĩ đến bước lùi, không tính toán các phương án khi thị trường đi xuống. Đây là cách đầu tư không bài bản, không bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta đã để cho sự phát triển của doanh nghiệp quá nhiều về số lượng nhưng quá manh mún về quy mô. Và khi quá manh mún về quy mô, rõ ràng khó đầu tư cho công nghệ cao.
Chẳng hạn như Thái Lan, tổng công suất thiết kế của xi măng khoảng 116 triệu tấn nhưng họ chỉ có 5 nhà đầu tư, trong khi chúng ta chỉ 60-65 triệu tấn lại có đến 100 nhà đầu tư. Đã đến lúc phải sắp xếp lại sự manh mún này. Trước đây, nhiều doanh nghiệp không đủ sức, không đủ năng lực tài chính vẫn đầu tư, nên khi ngân hàng không cho vay, những doanh nghiệp này sẽ “chết”.
Nay các nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ. Thay vì “tay không bắt giặc”, khi đầu tư họ phải quan tâm đến công nghệ, quy mô, thị trường, năng lực tài chính, đội ngũ cán bộ... Đau hiện nay là đau tạm thời nhưng cái được là ngành sẽ phát triển theo hướng khác, không phát triển như thế này nữa. Chính “cơn đau” này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại. Đau thì vẫn là đau, thua thì vẫn thua nhưng về lâu dài chúng ta sẽ có sự đổi mới tư duy của nhà đầu tư, nhà sản xuất. Điều này rất quan trọng.
*
Thưa ông, đã có luồng dư luận về việc các doanh nghiệp VLXD bắt tay làm giá khi đầu năm 2012 đến nay, thị trường trầm lắng nhưng giá VLXD, đặc biệt là thép và xi măng không hề giảm?
- Hoàn toàn không có chuyện đó. Giá cao do bài toán thị trường. Bởi, nếu thị trường nhu cầu nhỏ thì dù giảm giá đi nữa vẫn tiêu thụ chừng ấy, sự thua lỗ sẽ tăng lên. Người ta chỉ giảm giá khi thị trường lớn mà số nhà sản xuất nhiều, phải cạnh tranh quyết liệt.
Các doanh nghiệp VLXD đang thời kỳ lỗ, nếu giảm nữa chắc chắn sẽ lỗ to. Chính vì vậy họ vẫn phải giữ giá, thậm chí phải lên giá vì giá đầu vào lên: giá điện lên, xăng dầu lên, vận chuyển lên, nhân công lên, lương lên.
*
Những áp lực hiện nay liệu có dẫn đến việc doanh nghiệp VLXD sẽ phá sản hàng loạt, thưa ông?
- Tôi cho rằng điều đó sẽ xuất hiện và sẽ còn xuất hiện. Đó là quy luật của sự phát triển. Đây chính là sự đào thải của những hình thức đầu tư kém bền vững, không xây dựng cho mình một nền tảng, một tư thế khi bước vào đầu tư. Nhiều người còn có một cái tệ nữa là đã đầu tư là muốn lãi ngay.
Điều này sẽ không có, đặc biệt là đối với đầu tư sản xuất VLXD. Mấy năm liền phải lỗ và anh phải chuẩn bị vốn để bù vào chỗ đấy. Đó là lỗ kế hoạch nên nhà đầu tư phải thay đổi tư duy, không thể đầu tư theo kiểu ăn xổi được
*
Vậy bài toán quản lý đặt ra ở đây là gì, thưa ông?
- Các giải pháp đều đã được Hội VLXD nói rất nhiều. Chính phủ cần có các biện pháp hạn chế nhập khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng phải năng động, cơ cấu lại sản xuất, liên kết với nhau, tạo dựng những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại trong nước chưa sản xuất được. Nói chung đây là thời điểm vô cùng khó khăn, doanh nghiệp cần phải tiết kiệm chi phí hết mức và liên kết để cùng phát triển.
- Xin cảm ơn ông.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đầu năm 2012 tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, xi măng thuộc top các mặt hàng tồn kho kỷ lục với 84,4%, khoảng 3,5 triệu tấn; gạch ốp lát tồn kho trên 30 triệu m2, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng. Thép tồn kho gần 400.000 tấn và 560.000 tấn phôi thép.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thép phá sản trong năm 2012 do các dự án BĐS, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn “án binh bất động”. Trước mắt, Công ty Thép Việt đã phải cắt giảm 50% công suất, Công ty Thép Vạn Lợi tuyên bố ngừng sản xuất… Nhiều công ty khác chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất.
Trong khi đó, chi phí vay vốn quá cao cộng thêm giá vật tư nhiên liệu đầu vào chính tăng, như: than 41%, điện hơn 15%, vỏ bao khoảng 25%... càng đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khốn khó. Mặt khác, hiện nay việc kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng trên còn lỏng lẻo khiến hàng ngoại tràn vào, càng đẩy sức ép cạnh tranh đối với sản phẩm trong nước.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC