Từ năm 2005 trở về trước, giá thép ổn định… ở mức thấp đã khiến các doanh nghiệp ngành thép “chùn tay” đầu tư. Nhưng 2 năm trở lại đây, những “siêu dự án” đang ùn ùn đổ vào ngành thép...
Từ năm 2005 trở về trước, giá thép ổn định… ở mức thấp đã khiến các doanh nghiệp (DN) ngành thép “chùn tay” đầu tư. Nhưng 2 năm trở lại đây, những “siêu dự án” đang ùn ùn đổ vào ngành thép khiến mọi quy hoạch phát triển của ngành này bị phá vỡ với 32 dự án ngoài danh mục quy hoạch, được cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT).
Địa phương “qua mặt” trung ương?
Kết quả kiểm tra quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015 do Bộ Công thương vừa công bố cho thấy, đến nay, đã có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy CNĐT, trong đó: Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 dự án, Hải Phòng có 5 dự án, Hải Dương: 4 dự án, Hà Tĩnh: 3 dự án...Trong số này, có 2 dự án đã đưa vào sản xuất, 3 dự án đang hoàn chỉnh, dự kiến đưa vào sản xuất đầu năm 2009.
Như vậy, từ năm 2007 đến nay, số lượng dự án ngoài danh mục quy hoạch lớn hơn cả số lượng dự án trong quy hoạch (23 dự án).
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, trước đây, dù chiến lược quy hoạch có đề ra nhiều mục tiêu nhưng do giá thép thấp nên các doanh nghiệp trong nước, kể cả Tổng công ty Thép Việt Nam cũng không đủ năng lực tài chính để triển khai các dự án.
Từ năm 2005 trở lại đây, giá thép trong nước và quốc tế ngày càng tăng làm cho các dự án sản xuất thép thỏi trở nên hấp dẫn hơn, nên các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư rất nhiều, kể cả trong nước và nước ngoài… Đó là những lý do khiến chiến lược quy hoạch ngành thép bị vỡ.
Tại báo cáo rà soát quy hoạch ngành thép gửi Thủ tướng, Bộ Công thương đã chỉ ra thực trạng các dự án được các địa phương cấp giấy CNĐT không có trong danh mục quy hoạch được duyệt và đều có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng, vì vậy, một số địa phương đã không xin phép Thủ tướng và không xin ý kiến của Bộ Công thương. Đây là bất cập lớn và xuất phát từ sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Theo Luật Đầu tư, các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng (nhóm B) không có trong quy hoạch và không phải xin ý kiến thỏa thuận khi xem xét cấp giấy CNĐT. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thì đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.
Như vậy, các dự án luyện kim không có trong quy hoạch ngành thép và thuộc nhóm B (vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng) vẫn phải xin ý kiến thỏa thuận. Nhưng trên thực tế, trong số 32 dự án được cấp giấy CNĐT không có trong quy hoạch thì có tới 24 dự án “phạm quy”.
Tạm dừng đầu tư các dự án thép
Mua thép xây dựng ở một cửa hàng
trên đường Phan Đăng Lưu quận Phú
Nhuận TPHCM. Ảnh: Đức Thành.
Giá sắt thép lại giảm
Những năm trước, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, mức tiêu thụ và giá thép thường biến động mạnh nhưng năm nay thị trường lại khá im ắng.
Theo nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng khu vực TPHCM, từ tháng 6-2008 đến nay, chỉ có 2 tháng 9 và 10 là mức tiêu thụ và giá thép tăng nhẹ so với thời điểm giảm mạnh và ế ẩm trước đó.
Còn khoảng hơn tháng trở lại đây, giá thép tiếp tục giảm do mức tiêu thụ khá chậm. Hiện giá thép bán lẻ ở mức 11,5-11,8 triệu đồng/tấn, giảm 0,3-0,5 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, trong tháng 11 lượng sắt thép nhập khẩu tiếp tục giảm thêm 20% xuống còn gần 220.000 tấn. Tính chung 11 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu về đạt 7,542 triệu tấn.
Giá các loại thép và phôi thép nhập khẩu trong tháng 11 nhìn chung giảm mạnh so với tháng 10, trong đó giá phôi thép giảm 54% còn 405,8 USD/tấn, sắt thép nói chung giảm 40% xuống còn 699,3 USD/tấn...
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng