Ngành thép tìm giải pháp “cắt” lỗ

Cập nhật 08/10/2008 01:00

Trong quý III/2008, ngành thép tăng trưởng âm, và đó là thời kỳ ảm đạm nhất trong năm. Tình trạng này đã khiến Thường trực Hiệp hội Thép, trong ngày 7/10 phải tổ chức họp bàn...

Trong quý III/2008, ngành thép tăng trưởng âm, và đó là thời kỳ ảm đạm nhất trong năm. Tình trạng này đã khiến Thường trực Hiệp hội Thép, trong ngày 7/10 phải tổ chức họp bàn với các doanh nghiệp (DN) để bàn biện pháp kích cầu, bình ổn giá nhằm “cắt” lỗ, tháo gỡ bế tắc cho DN.

Tồn đọng lớn, DN lỗ nặng nề

Theo Hiệp hội Thép, lượng thép tồn đọng nhiều, tiêu thụ giảm mạnh; giá thép thế giới gây sức ép lên giá trong nước và nhiều DN bước vào cuộc chạy đua giảm giá với biên độ và tần suất lớn, là những khó khăn VN đang phải đương đầu.

Số lượng thép tiêu thụ trong tháng 8/2008 chỉ đạt 111.000 tấn bằng 1/3 mức bình quân các tháng trước đây. Đến tháng 9/2008, toàn ngành chỉ tiêu thụ được 110.000 tấn thép. Hệ quả là có 4 DN phải ngừng sản xuất trong cả tháng 8 và 9, còn lại sản xuất cầm chừng.

Tình trạng ứ đọng nguyên liệu liệu và sản phẩm thép lớn, khiến các công ty sản xuất thép khó khăn nặng nề về tài chính. Theo ước tính hiện nay, các DN thép đang tồn đọng khoảng 1 triệu tấn sản phẩm các loại. Tính theo giá trung bình hiện nay, lượng thép tồn đọng này trị giá khoảng 1 tỷ USD. Hơn nữa, DN lại rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ nhưng không bán sẽ không có vốn đáo nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, hiện điêu đứng nhất là các DN sản xuất phôi thép. Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 đến nay, thép và phôi thép có mức giảm rất lớn. Phôi thép chào bán vào VN từ 1200 – 1250 USD/tấn đã giảm xuống dưới 600 USD/tấn. Đại diện công ty thép Đình Vũ cho biết, hiện DN đang tồn kho 2,5 vạn tấn phôi thép. Từ 2 tháng nay, DN không bán được hàng, phải sản xuất cầm chừng, cắt giảm biên chế.

Bên cạnh đó, hiện giá nhập khẩu phôi thép với giá phôi trong nước chệnh lệch khá lớn. Giá nhập khẩu chỉ khoảng 9,8 triệu đồng/tấn, trong khi giá phôi của DN lên đến trên 13 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, ở trong nước, một số công ty không tham gia Hiệp hội chào bán với giá chỉ 9,6 triệu đồng/tấn mà vẫn không có người mua. Nhiều DN sản xuất phôi như Hòa Phát, Đình Vũ... đều cắt giảm sản xuất.

Không chạy đua giảm giá, cùng hợp sức kích cầu trở lại


Trong quý III vừa qua, giá cả thép lên, xuống không có lộ trình, nhiều DN điều chỉnh giá với biên độ và tần suất cao. Có DN 3 ngày lại điều chỉnh giá một lần, dẫn đến mất niềm tin với khách hàng. Thực tế chứng minh, càng hạ giá các DN lỗ càng nặng, nhưng tiêu thụ thép cũng không tăng được bao nhiêu.

Đại diện Công ty Vinasteel cho biết: hiện khu vực phía Nam tồn kho khoảng 154.000 tấn thép, không cần sản xuất cũng bán đến cuối năm mới hết. Với mức giá từ 13,5 - 13,8 triệu đồng/tấn, hiện các DN lỗ rất lớn (trong khi mức giá này vẫn cao hơn giá thép nhập khẩu là 12,1 – 12,7 triệu đồng/tấn).

Theo Hiệp hội Thép, với tình hình hiện nay, điều cốt lõi là các DN phải giữ được thị phần của mình, không chạy đua giảm giá và giành giật thị phần của DN khác.

Trong buổi họp bàn, các DN phía Nam đã cam kết không chuyển hàng ra phía Bắc, và ngược lại, để ổn định thị trường và tâm lý khách hàng, kích cầu tăng trở lại.

Mặt khác, để kích cầu, các DN thép kiến nghị Chính phủ cho phép các dự án trọng điểm tiếp tục triển khai (sau thời gian thực hiện kiềm chế lạm phát Chính phủ đã cắt giảm mạnh các dự án đầu tư, vốn là nguồn tiêu thụ sản phẩm chính của các DN thép). Thêm vào đó, việc điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép cũng phải được đẩy nhanh lộ trình để giúp các DN thép thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Hơn nữa, Hiệp hội Thép cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm mức thuế xuất khẩu thép xuống 0%; giảm lãi suất ngân hàng để DN bớt gánh nặng về tài chính.

Ngoài ra, các Công ty trong Hiệp hội Thép cũng thống nhất không chạy đua giảm giá, coi đây là mức “đáy”, cùng nhau bình ổn thị trường để giảm bớt lỗ và tiến đến có lãi. DN phôi và DN cán thép kết hợp với nhau bằng hợp đồng nguyên tắc và trao đổi thông tin để giảm giá có lộ trình rõ ràng. Các DN cũng cố tìm thị trường xuất khẩu với cả phôi và thép cán.

Bài học lớn từ công tác dự báo

Theo các chuyên gia, sự bất ổn của ngành thép vừa qua là một bài học lớn cho công tác dự báo. Trong lúc giá phôi thép thế giới lên cao, phôi thép trong nước đang ứ đọng, chúng ta lại tăng thuế xuất khẩu vì lo ngại thiếu thép những tháng cuối năm. Tới đây, nếu giảm thuế xuất khẩu thép xuống 0%, DN vẫn cứ lỗ.

Bài học trên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác dự báo về nhu cầu trong nước khi nhà nước điều chỉnh chính sách chống lạm phát để các DN sản xuất và tiêu thụ lượng sức. Ngoài ra, cần có dự báo sớm về giá cả thế giới để DN biết thời điểm nên bán ra, nhập vào, tránh tình trạng giá cao lại giữ; còn khi giá giảm lại phải tìm cách xuất đi.

Theo ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép: Với giá thép hiện nay, người mua đang được lợi do mỗi tấn thép rẻ khoảng 5 triệu đồng (quay lại thời điểm quý IV/2007); nhưng DN thép lại chật vật, bởi giá thép không bù đắp được lãi suất ngân hàng phải chi phí. Nếu lạm phát giảm xuống dưới hai con số, tiêu thụ thép có thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ thép trong cả năm 2009.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới