Ngành thép: quy hoạch lại quy hoạch

Cập nhật 01/03/2009 08:05

Bản quy hoạch ngành thép mới được phê duyệt năm 2007 đã bị vỡ, một phần bắt nguồn từ sự dư thừa các dự án trong khi ngành ngày chưa giải quyết...

Bản quy hoạch ngành thép mới được phê duyệt năm 2007 đã bị vỡ, một phần bắt nguồn từ sự dư thừa các dự án trong khi ngành ngày chưa giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào.

Mềm dẻo với quy hoạch

Sau cuộc rà soát quy hoạch ngành thép, mới đây Bộ Công Thương đã xác định 32 dự án nằm ngoài quy hoạch và kiến nghị Chính phủ tạm dừng cấp phép đối với các dự án mới và có thể rút giấy phép các dự án nằm trong quy hoạch nhưng không thực hiện đúng tiến độ.

Ngay sau đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đã có những phản hồi về những kiến nghị của bộ. Không cùng quan điểm với bộ, VSA đề xuất Chính phủ nên đình chỉ các dự án đang xây dựng và sắp xây dựng mà không đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào.

Theo VSA, những bế tắc của các dự án thép lớn có tên trong quy hoạch phần nhiều xoay quanh bài toán nguyên liệu đầu vào, kể cả người có vốn lẫn người còn đang tìm nguồn vốn. Ở các dự án lò cao, công suất lớn, khi đã đốt lò thì không thể dừng lại, ít nhất sau 7-10 năm.Việc tính toán nguồn nguyên liệu quặng cho các khu liên hợp thép luôn là nỗi lo hàng đầu của các chủ dự án.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, dẫn chứng riêng ở khu vực Thạch Khê (Hà Tĩnh) có tới bốn dự án liên hợp luyện kim công suất từ 2-15 triệu tấn/năm và đều nằm trong quy hoạch của Chính phủ. Tất cả các nhà đầu tư đều trông vào nguồn quặng chính từ mỏ Thạch Khê (trữ lượng lớn nhất Việt Nam hiện nay) nhằm tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất để thu lợi cao nhưng quyền khai thác mỏ quặng này còn chưa rõ ràng. Trong khi ấy, việc nhập phôi thép hay thép phế thường bất ổn do giá cả biến động khôn lường.

Do vậy với các dự án thép, chỉ khi giải được bài toán chi phí luyện thép, đảm bảo khả năng cạnh tranh thì việc đầu tư mới được xem xét. Điều này cũng nói lên rằng không phải cứ thấy dự án nào nằm ngoài bản quy hoạch ngành được phê duyệt ngày 4-9-2007 thì gạt qua một bên và chỉ nhắm vào việc đốc thúc các dự án đã có tên trong danh sách quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, trong cuộc trao đổi cách đây không lâu với TBKTSG đã từng nói rằng quy hoạch ngành thép là quy hoạch mở, nghĩa là có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và hiệu quả của ngành.

Một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra ở ngành điện cần được ngành thép rút kinh nghiệm. Đó là theo quy hoạch ở Tổng sơ đồ VI của ngành điện, tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhận đầu tư cả 13 dự án nhiệt điện, nhưng sau đó phải trả lại, ngoài lý do thiếu vốn còn do họ không giải được bài toán nguồn than nhập cho các dự án, khi các hợp đồng nhập than từ Indonesia phải “ăn đong”. Do vậy, khi chuyển giao các dự án này cho các nhà đầu tư mới, Bộ Công Thương đều yêu cầu chủ dự án phải qua được vòng thuyết trình về nguồn than nhập.

Không thể trông chờ vào sự tự giác của địa phương


Với các dự án thép nằm ngoài quy hoạch, dù đã đầu tư hay mới chỉ đăng ký dự án, không thể đổ lỗi cho các nhà đầu tư. Vấn đề là các cơ quan quản lý ngành, cơ quan cấp phép ở địa phương và trung ương đã làm tròn trách nhiệm hay chưa. Việc có hàng chục dự án thép hiện đang nằm ngoài quy hoạch, xét cho cùng là do cách phân cấp quản lý giữa bộ chủ quản với địa phương và do quy định của pháp luật.

Luật Đầu tư cho phép các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỉ đồng (nhóm B), không phải xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Công Thương trước khi cấp phép. Với mục đích thu hút đầu tư, gia tăng nguồn thu ngân sách, nhiều địa phương đã dễ dãi chấp thuận dự án.

Còn với doanh nghiệp, việc có tên hay không có tên trong quy hoạch ngành thép không có ý nghĩa bằng việc họ có thể đi vào sản xuất và bán được hàng với giá cạnh tranh hay không. Do vậy, muốn bản quy hoạch ngành thép khả thi, các điều kiện cấp phép được tôn trọng, đảm bảo tính ổn định thì nên yêu cầu các nhà đầu tư thuyết trình về việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào để làm cơ sở xem xét việc cấp phép.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thép lớn ở phía Bắc nói với TBKTSG rằng, cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu khiến doanh nghiệp ngành thép lao đao. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà quản lý và các nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về việc đầu tư sản xuất thép, nhất là phôi thép, vốn được đặc biệt khuyến khích trong nhiều năm qua.

Ông nói: “Chúng tôi rất khó khăn khi tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương vì phần lớn họ nghĩ đơn giản là cứ có mỏ thì phải đầu tư nhà máy phôi thép và cứ có mỏ là địa phương có công nghiệp gang thép”. Vì thế, quá nhiều dự án sản xuất thép được ra đời từ những cách nghĩ như vậy, trong khi họ không cần biết để làm ra phôi thép cần những điều kiện gì, công nghệ ra sao, vốn và hiệu quả kinh tế đến đâu.

Ông lý giải, việc có mỏ sắt chỉ là một điều kiện, một tiền đề để sản xuất thép đạt hiệu quả. Ngày nay, tính cạnh tranh trong ngành thép rất cao, nếu đưa vào sản xuất các lò cao loại nhỏ thì không thể cạnh tranh, không mang lại hiệu quả kinh tế mà lại gây ra ô nhiễm môi trường.

Một minh chứng rõ ràng là hiện nay một số lò nhỏ có công suất dưới 200 mét khối đã bị cấm xây dựng tại Trung Quốc cũng như một số nước sản xuất gang thép lớn. Nhưng ở Việt Nam, khi xây dựng quy hoạch, việc đầu tư các lò luyện công suất cỡ bao nhiêu không được quy định cụ thể. Do vậy, hiện nay Tổng công ty Khoáng sản và Công ty Khoáng sản Lào Cai vẫn đang lập dự án cho lò luyện công suất 180 mét khối. Dự án này có tên trong quy hoạch ngành thép.

Ngoài ra, để sản xuất phôi thép trong nước đạt hiệu quả kinh tế đòi hỏi phải giải rất nhiều bài toán khác về chi phí sản xuất. Do vậy, không thể để địa phương cứ nhìn thấy mỏ, bất kể quy mô cỡ nào là cho đầu tư vào công nghiệp gang thép. Việc điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp với năng lực, nhu cầu hiện tại và tương lai không thể trông chờ vào sự tự giác của các địa phương đã cấp phép.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG