Ngành thép là ngành đầu tiên bộc lộ những khó khăn dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhưng dường như giai đoạn khó khăn nhất của ngành...
Ngành thép là ngành đầu tiên bộc lộ những khó khăn dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhưng dường như giai đoạn khó khăn nhất của ngành này đã qua đi…
Giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp thép là vào tháng 10/2008 khi tiêu thụ thép giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Hầu hết doanh nghiệp đều có lượng hàng tồn kho lớn với giá đầu vào cao gấp đôi giá nguyên liệu nhập khẩu và phải dừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc hoặc giãn ca. Nhưng những thông tin mà các doanh nghiệp thép công bố gần đây cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, thời điểm cuối tháng 10/2008, HPG có lượng hàng tồn kho thép xây dựng trị giá 814 tỷ đồng, trong đó có 21.000 tấn thép thành phẩm, 19.000 tấn phôi thép và 30.000 tấn phế liệu, nhưng lượng hàng tồn kho của Công ty hiện đã giảm mạnh, với giá giảm nhiều do trung bình với giá nguyên liệu đầu vào mới nhập khẩu.
Cụ thể, hàng tồn kho của HPG hiện là 7.244 tấn thành phẩm, 13.391 tấn phôi và 12.375 tấn phế liệu. Tiêu thụ thép xây dựng tháng 12/2008 của HPG bằng 146% so với mức tiêu thụ trung bình hàng tháng trong năm. Quý I/2009, HPG sẽ có trên 50.000 tấn nguyên liệu đầu vào với giá thấp được nhập kho.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng công bố những thông tin khả quan. Công ty vừa ký hợp đồng cung cấp 11.000 tấn thép, trị giá hơn 122 tỷ đồng cho công trình The Vista TP. HCM. Hợp đồng này được ghi doanh thu cho SMC ngay trong tháng 12/2008.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC, một số khách hàng, nhất là doanh nghiệp nước ngoài có vốn lớn đã tranh thủ thời điểm giá thép còn thấp mua vào với khối lượng lớn. Ngoài The Vista, SMC đang trữ 30.000 tấn thép cho một khách hàng Đài Loan.
Ông Anh cho biết, giá thép đã tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục do tỷ giá USD/VND tăng và việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 10% kể từ ngày 1/1/2009. Nhiều nhà phân phối đã đã tranh thủ nhập trữ hàng, tạo ra một lượng cầu mới; các nhà sản xuất cũng tranh thủ tăng giá thêm vài trăm đồng/tấn thép.
Theo Tổng giám đốc HPG, những tháng cuối năm 2008, giá phôi thép thế giới đã xuống đến đáy 350 USD/tấn, nhưng hiện đã tăng lên mức ổn định trên 410 USD/tấn. Giá thép trong nước tăng vững chắc ở biên độ hẹp cùng với nhu cầu tăng cao hơn. Trong tháng 12/2008, Chính phủ đã tăng mức thuế nhập khẩu phôi thép lên 5% và thép xây dựng thành phẩm lên 12%, góp phần bình ổn thị trường thép trong nước.
Nhờ thị trường thép được bình ổn, tín dụng cho doanh nghiệp thép được gia hạn và cho vay mới, hoạt động của nhiều doanh nghiệp thép đang "nóng" trở lại. CTCP Thép Đình Vũ đã đưa nhà máy phôi trở lại hoạt động và phát hành cổ phiếu thành công, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi trong tháng 12/2008. Trong khi chỉ mấy tháng trước, Công ty này còn ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi lượng hàng tồn kho lớn mà không có người hỏi mua…
Nhìn chung, một số doanh nghiệp thép sắp tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho mua với giá cao và bắt đầu một vòng quay mới của sản phẩm, mà giá thành sản phẩm luôn thấp hơn giá bán.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thép, năm 2009 ngành thép vẫn gặp khó khăn do kinh tế các nước đều suy giảm tăng trưởng. Sản lượng thép toàn cầu năm 2009 có thể giảm 5 - 10% so với mức 1.350 triệu tấn trong năm 2008. Ngành thép chỉ có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2012.
Nhưng tại thị trường Việt Nam, lượng thép xây dựng tiêu thụ năm 2009 dự kiến sẽ đạt 4 triệu tấn, bằng với năm 2008. Mức tiêu thụ không bị suy giảm do Việt Nam là nước đang phát triển với GDP tăng trên 6%/năm.
Ông Anh cho rằng, ngành thép năm 2009 không đến nỗi khó khăn, do tăng trưởng của ngành sẽ theo mức độ tăng trưởng kinh tế trong nước. Mặt khác, Chính phủ đã có chủ trương kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngành thép và xi măng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này trước tiên.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán