Việc còng lưng trả lãi vay vì lãi suất rất cao trong khi lượng tiêu thụ giảm mạnh so cùng kỳ đã khiến các doanh nghiệp ngành thép đối mặt thua lỗ vào cuối năm.
Lãi suất quá cao, sức mua giảm, doanh nghiệp kinh doanh thép chồng chất khó khăn. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Năm 2011 sắp hết, các doanh nghiệp (DN) ngành thép đang chạy đua, tăng tốc bằng mọi cách tăng doanh thu, giảm chi phí để “vét” thêm lợi nhuận vào cuối năm. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn, chính sách thắt chặt tiền tệ còn kéo dài, cung tiền vào ngành bất động sản giảm thì khó khăn của ngành thép sẽ còn tiếp diễn sang năm tới.
Lợi nhuận bị bào mòn
Hoạt động kinh doanh quý III vừa kết thúc, nhiều DN ngành thép đã phải tự giảm chi tiêu kế hoạch năm 2011. Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đã giảm mạnh nhiều chỉ tiêu của năm, đặc biệt lãi sau thuế giảm tới 60,5% so mức trước đó. Sau điều chỉnh, doanh thu năm nay của TLH còn 2.800 tỉ đồng, trong khi kế hoạch ban đầu hơn 4.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm từ 135 tỉ đồng xuống còn 53 tỉ đồng.
Mặc dù không điều chỉnh giảm kế hoạch nhưng kết quả kinh doanh vừa công bố của Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA) cho thấy lợi nhuận quý này đã teo tóp, chỉ còn hơn... 11 triệu đồng, trong khi 6 tháng đầu năm đạt hơn 26 tỉ đồng. Các khoản chi phí quan trọng lại tăng mạnh, trong đó chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) tăng từ 48 tỉ đồng lên 58,6 tỉ đồng, còn chi phí bán hàng thì tăng gấp đôi, lên hơn 10 tỉ đồng, làm cho lợi nhuận giảm mạnh.
Rõ ràng, khó khăn của DN càng về cuối năm càng tăng lên. Bài toán cho đầu ra vẫn chưa được khơi thông, trong khi các loại chi phí thì cứ tăng lên vùn vụt, trong đó các khoản chi phí về kho bãi, vận chuyển, lãi vay, tiền lương tăng... đã bào mòn lợi nhuận của DN.
Tồn kho tăng gấp đôi
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Khương Mai, cho biết nhu cầu vốn của các DN ngành thép rất lớn, trong khi nguồn tự có hạn chế nên chủ yếu phụ thuộc vốn vay. Với tình hình lãi suất vẫn rất cao. nhưng lại khó tiếp cận nên DN càng thêm khốn đốn. Lãnh đạo một DN thép đang niêm yết trên sàn chia sẻ: “Mỗi chuyện tìm nguồn USD thanh toán cho việc nhập nguyên liệu đã làm cho chúng tôi mất một khoản tiền chênh lệch về tỉ giá quy đổi không nhỏ, chưa kể việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ về cuối năm ngày càng khó hơn”.
Do ngành bất động sản đóng băng, tiêu thụ thép giảm nên tồn kho rất lớn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 2 tháng vừa qua, sản lượng thép tiêu thụ tiếp tục giảm mạnh, khiến lượng hàng tồn kho tăng lên. Cụ thể, trong tháng 8, sản lượng tiêu thụ 480.000 tấn, nhưng tháng 10 giảm xuống còn khoảng 300.000 tấn, vì vậy lượng tồn kho tăng lên gần 500.000 tấn, gấp đôi so với lượng tồn kho thông thường. Kiến nghị cứu DN
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho rằng nhiều DN đang phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất. Cũng có DN chỉ sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động.
Với tình hình trên, VSA cũng đã có kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước những giải pháp cần thiết như nên cấp vốn cho các công trình xây dựng cần thiết, điều chỉnh giá nguyên vật liệu kịp thời, hạ lãi suất cho vay, cũng như ưu tiên DN ngành thép trong việc tiếp cận vốn vay, nhất là ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu.
Đồng thời Bộ Tài chính cần có chính sách hạ thuế với những mặt hàng chưa sản xuất được trong nước và tăng thuế với mặt hàng đã sản xuất được để hỗ trợ DN sản xuất thép.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động