Năm 2009: Giá VLXD ổn định ở mức thấp!

Cập nhật 02/12/2008 16:16

Đến thời điểm này, thị trường vật liệu xây dựng đã có rất nhiều biến động, giá giảm khoảng 40 đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu năm nay. Năm 2009 thị trường vật liệu xây dựng...

Đến thời điểm này, thị trường vật liệu xây dựng đã có rất nhiều biến động, giá giảm khoảng 40 đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu năm nay. Năm 2009 thị trường vật liệu xây dựng sẽ diễn biến như thế nào? DĐDN đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Phương Tùng - TGĐ Tổng Cty vật liệu xây dựng số I (Fico) thuộc Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Theo ông Tùng, thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bất động sản và nếu như sang năm 2009 không có biến động của thị trường bất động sản thì chắc chắn thị trường vật liệu xây dựng cũng khó có thể tăng giá cao được. Mức giá của thị trường năm 2009 sẽ giữ khá ổn định, có thể còn giảm.

* Vậy ông đánh giá thế nào về thị trường vật liệu xây dựng ở thời điểm hiện tại?

Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì các nước khác cũng vậy, nhất là Trung Quốc giá của thị trường bất động sản giảm 50 đến 70%. Ngay ở trong nước do chủ trương của Chính phủ thực hiện 8 giải pháp chống lạm phát nên đầu tư của các ngành cũng giảm, đầu tư của nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân cũng rất khó khăn vì hiện nay vay tín dụng rất khó bởi lãi suất vay cao như hiện nay không ai dám vay để đầu tư, chỉ còn lại các dự án có vốn ODA hoặc vốn FDI vẫn tiếp tục triển khai. Do đó, làm cho cầu của thị trường giảm mạnh. Cụ thể các loại vật liệu xây dựng trong nước hầu hết các mặt hàng như xi măng, sắt thép, gạch ngói xây dựng... vào thời điểm cuối năm 2007, đầu năm nay đều tăng ở mức chóng mặt nhưng giờ thì có cao trào giảm giá rất mạnh. Đây rõ ràng quy luật cung cầu và giờ nó giảm sâu hơn nữa là thị trường sắt thép, hiện nay sắt thép còn tồn kho quá lớn khoảng hơn 3 triệu tấn với giá trị khoảng hơn 2 tỷ USD.

Các nhà kinh doanh sản xuất thép rất đau đầu với bài toán tài chính. Đã có thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, giá thép xuống dưới 10 triệu đồng/tấn và vừa qua đã có lên lại khoảng trên 11 triệu đồng/tấn. Theo tôi đánh giá lượng tồn kho trong nước đủ dùng cho nhu cầu cả năm tới, đồng thời giá phôi thép thế giới đều có chiều hướng giảm hiện với khoảng 300 USD/tấn nên khó có cơ sở tăng giá trong năm 2009 và cũng chỉ khoảng 11 - 13 triệu đồng/tấn. Ngay thị trường xi măng có thời điểm sốt giá. Chính phủ phải có những cuộc họp bàn để bình ổn giá nhưng giờ giá xi măng cũng giảm và các nhà sản xuất đang áp dụng trở lại các chương trình khuyến mãi, thưởng bán hàng... Theo dự kiến của Bộ Xây dựng cũng như chúng tôi là sang năm sau giá xi măng vẫn chỉ giảm chứ chưa thể có tín hiệu nào cho thị trường xi măng tăng giá.

* Thực tế, vừa qua Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số giải pháp kích cầu thị trường, trong đó có cả ngành xây dựng. Vậy những giải pháp này đã "đủ liều" thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng sôi động trở lại?



Do hạn chế về cầu, trong lúc nguồn cung
tiếp tục tăng nên năm 2009 thị trường vật
liệu xây dựng được dự báo là tiếp tục ổn
định, có chiều hướng đi xuống về giá.

Đầu tiên có thể nhìn nhận rằng sang năm 2009 tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Trong đó, chủ trương kích cầu của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu tập trung cho ngành xây dựng và tập trung vào các dự án đầu tư công, giải ngân vốn ODA, dự án vốn FDI... nó có tác động nhất định đến thị trường vật liệu xây dựng.

Tuy vậy, một vấn đề cần quan tâm là trong năm sau sẽ có hàng loạt nhà máy xi măng bắt đầu cho ra sản phẩm, kể cả nhà máy xi măng Fico của chúng tôi, tăng một lượng lớn nguồn cung trên thị trường. Theo tôi năm 2009 giá xi măng trên thị trường sẽ ổn định như hiện nay và có thể giá còn thấp hơn năm 2008. Kể cả các loại vật liệu xây dựng khác có thể không tăng giá được vì hiện việc tiêu thụ mới bằng 50% so với công suất nên chắc chắn lượng hàng còn tồn kho rất nhiều. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn phải ngừng sản xuất.

Năm 2009 thị trường bất động sản không có gì biến chuyển và các chủ trương thực hiện không tốt thì kể cả các giải pháp kích cầu cũng khó có thể thúc đẩy được thị trường này sôi động trở lại.

* Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng?

Đương nhiên. Như tôi đã nói, ngành sắt thép lượng tồn kho lớn chịu áp lực về tài chính. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng khác cũng vậy. Đối với các sản phẩm như sắt thép, gạch ngói sản xuất ra có thể để được cả năm nhưng riêng xi măng không thể để tồn lâu được và do đặc thù của ngành sản xuất xi măng là không thể ngừng lò một cách tùy tiện. Cho nên khi thị trường giảm và cung vượt cầu thì tất nhiên doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tôi, kiểu như thế này sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ngưng sản xuất, giá lại giảm và cá nhân tôi biết đã có rất nhiều doanh nghiệp phải ngưng sản xuất và ngay cả việc có thể sản xuất khoảng 30 - 40% hoặc có những doanh nghiệp tốt hơn cũng chỉ khoảng 50% so với năng lực sản xuất thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, ngoài việc mất đi lợi nhuận cho doanh nghiệp thì bài toán về giải quyết quyền lợi người lao động, nguồn lao động luôn phải đặt lên hàng đầu. Bởi khi ngừng sản xuất lao động giỏi sẽ bỏ đi và khi đi khởi động lại thì rất khó để họ quay trở lại.

* Vậy theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào để giảm khó khăn cho doanh nghiệp?

Thực ra cứ mỗi lần gặp khó khăn các doanh nghiệp cứ kêu Chính phủ cần phải hỗ trợ. Nhưng hiện tại, Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường nên Nhà nước không thể nào can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ không thể có nguồn ngân sách khổng lồ nào hỗ trợ doanh nghiệp được mà chỉ can thiệp bằng những chiến lực chung, cơ chế chính sách, điều tiết vĩ mô, tài chính, điều chỉnh vốn vay từ các ngân hàng, lãi suất vay... Ví dụ như điều tiết bằng thuế để hạn chế việc nhập khẩu thép, đảm bảo nguồn hàng trong nước. Nhưng tất nhiên, giờ đây chúng ta đã gia nhập WTO thì phải tuân thủ luật của sân chơi chung chứ không thể bảo hộ được. Do đó, trước tình hình khó khăn này thì vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng, làm sao để thoát được nó ra.

Nhân thời điểm này, doanh nghiệp có thể trau dồi kiến thức, đào tạo lại tay nghề của CBCNV, tăng giá trị gia tăng trong các hoạt động của mình để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp mình. doanh nghiệp sẽ tự thích nghi với môi trường như thế này và trước đây người ta không quan tâm lắm đến những việc này thì bây giờ buộc phải làm như cải tiến doanh nghiệp, đào tạo con người sao cho phù hợp với thực tế.

* Xin cảm ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp