Loay hoay với thép!

Cập nhật 07/11/2008 01:00

DN thép đang buộc phải chấp nhận thực tế mà người lạc quan nhất cũng không thể hình dung, là một ngành sản xuất, kinh doanh đang phát triển nhanh như thép...

DN thép đang buộc phải chấp nhận thực tế mà người lạc quan nhất cũng không thể hình dung, là một ngành sản xuất, kinh doanh đang phát triển nhanh như thép lại có thể rệu rã, mất phương hướng và chỉ chực sụp đổ sau vẻn vẹn có vài tháng. Hệt như thủ đô Hà Nội vốn chẳng ai tin có thể lụt, thì nay đã chìm trong nước chỉ sau vài ngày mưa.

Ông Lê Mạnh Hoàn - Phó TGĐ Cty CP thép Đình Vũ trong phát biểu của mình khẳng định, có tới một nửa “trong tổng số 500 DN thép có thể không vượt qua nổi giai đoạn khó khăn này, họ đang điêu đứng trên bờ vực phá sản”.

Nguyên nhân do ông Hoàn quy kết là: chỉ vì dự báo sẽ thiếu thép trong quý 4 (2008) nên Bộ Tài chính đã nâng thuế xuất khẩu phôi thép lên 20%. Hàng rào này đã khiến các DN không thể tiêu thụ (xuất khẩu) được 500.000 tấn phôi sản xuất trong nước và hàng triệu tấn thép thành phẩm khác tồn kho.

Cơ hội, tính thời điểm xuất khẩu phôi không còn nên giờ đây, dù thuế xuất khẩu phôi thép đã xuống đến 0% thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi giá phôi thép thế giới đã xuống đến 320 USD/tấn - giảm tới 70% so với trước và chỉ bằng 40% giá thành sản xuất của các nhà máy phôi thép - giá phế liệu xuống đến 140 USD/tấn. Các DN lẽ ra có lãi nhưng nay lại phải chịu lỗ tới 60 - 70% giá vốn.

Thép rẻ hơn... rau!


Ông Lê Văn Vang - GĐ Cty Thép Nam Vang cho rằng tiêu thụ thép năm nay chỉ bằng 30% dự báo, thép đang xuống giá rất thấp, đến mức “1 kg thép còn rẻ hơn... 1 kg rau muống”. Dĩ nhiên, khi các DN đã định nghĩa ngành sản xuất, kinh doanh thép đang lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử phát triển, thì cũng là lúc các ý kiến để chế ngự khủng hoảng được đưa ra.

Nhóm kiến nghị về tín dụng tập trung vào ba nội dung chính, đó là đề nghị các ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ của các DN thép. Đồng thời nâng cao, thậm chí có thể lên tới 100% thuế đánh vào các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng hiện trong nước đang thừa. Và đề nghị Chính phủ rà soát và cho phép các các công trình đang bị đình, hoãn, dãn tiến độ nhưng có thể đem lại hiệu quả lớn sớm được xây dựng trở lại.

DN thép trong nước... vô can?

Có quá nhiều ý kiến quy kết cuộc khủng hoảng ngành thép là do sai lầm của các cơ chế quản lý được xây dựng trên cơ sở dự báo sai. Điều đó đúng, nhưng là chưa đủ. Không có ý kiến nào từ DN đánh giá nghiêm túc vai trò của chính các DN trong nguyên nhân gây khủng hoảng.

Các DN khẳng định họ được tham gia quá ít vào công tác dự báo cũng như góp ý xây dựng cơ chế quản lý. Thực tế thì sao? Tính thiếu chính xác của dự báo do các cơ quan chức năng đưa ra không phải là “chuyện mới” tại Việt Nam.

Thế nên, chắc chắn các DN không thể định hướng hoạt động năm, quyết định kinh doanh chỉ dựa trên cơ sở dự báo này. Ngược lại, rõ ràng là, các quyết định kinh doanh của DN bao giờ cũng thể hiện cụ thể đánh giá chủ quan của DN về thị trường và tiềm năng của sản phẩm đó.

Thế nên, trong khủng hoảng ngành thép, chắc chắn phải có “đóng góp” về dự báo của chính các DN. Chính Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã thừa nhận nguy cơ “sẽ thiếu thép trong quý 4/2008”, và đồng thuận (nếu không nói là kiến nghị) Bộ Tài chính phải nâng thuế xuất khẩu phôi thép.

Sau này, khi thị trường thép thế giới xuống giá, VSA đã tích cực kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phôi. Nhưng vẫn là kiến nghị giảm thành nhiều lần, nhiều mức. Trong khi biện pháp hiệu quả nhất là cần kiến nghị cho phép các DN xuất khẩu với thuế xuất bằng 0%. Về nguyên tắc, ý kiến của VSA là ý kiến của DN. Điều đó cho thấy việc dự báo thị trường do DN tiến hành là không chính xác.

Ngay tại diễn đàn này, bản thân dự báo của các DN đưa ra cũng không giống nhau. Trong khi có ý kiến khẳng định bắt đầu từ tháng 3/2009 thị trường thép sẽ khởi sắc trở lại, thì lập tức có quan điểm cho rằng nhanh nhất cũng phải từ tháng 6/2009 trở đi tiêu thụ thép mới tăng trở lại.

Và có ý kiến khẳng định các DN Việt Nam đang khó khăn khi cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Thì cũng có ý kiến nói rằng tổng công suất đăng ký của các dự án thép nhiều tỷ USD hiện đã là 40 triệu tấn/năm, vượt cả nhu cầu trong nhiều năm trước mắt.

Dường như, tâm thức nhiều DN Việt Nam đang hiểu rằng, có thể cạnh tranh sòng phẳng tại thị trường trong nước và xuất khẩu với thép Trung Quốc chỉ bằng các biện pháp thương mại, thay vì bằng tiềm lực công nghệ, công suất sản xuất thực tế. Và đó thực sự là một hạn chế của DN nội.

Vậy nên, nếu để ngành thép thoát khỏi khủng hoảng, thì vấn đề nâng cao khả năng, chất lượng dự báo phải được đặt ra gấp gáp không kém gì các biện pháp về cơ chế, về tài chính mà DN đang mong chờ từ ngân hàng và Chính phủ.

Tiếc thay, đó là điều diễn đàn này còn thiếu. Ông Phạm Hồng Điệp chỉ có thể nói rằng nếu DN nào cần thông tin thì có thể liên hệ trực tiếp với ông hoặc qua email của Hiệp hội DN trẻ Hải Phòng. Hóa ra, một người có thể làm thay chức năng theo dõi, tổng hợp và cung cấp thông tin của hiệp hội, một hệ thống cơ quan quản lý?

Chắc rằng ông Điệp không có ý định đó. Nhưng cũng chắc chắn không kém, là việc tổng kết thông tin về thị trường thép vẫn chưa được đánh giá đúng, chưa được thừa nhận đúng với tầm vóc mà nó cần phải có.

Mà nếu dự báo không chuẩn, thì các DN lấy cơ sở ở đâu để tin mình sẽ vượt qua khủng hoảng, đồng thời phát triển ổn định, hiệu quả? Và tới bao giờ ngành thép mới thoát khỏi ô bảo hộ của Nhà nước?

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội DN trẻ Hải Phòng:

"Từ giữa năm 2008, giá thép đã xuống đến đáy của thời điểm giá. Đến ngày 4/11, thì giá thép thế giới đã dao động không chỉ từng tháng, mà là từng ngày, từng giờ. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác dự báo thị trường thiếu chính xác trong khi giá quặng thế giới lại giảm nhanh chóng, dẫn đến giá phôi, giá thép giảm, mà chi phí DN tăng cao. Theo chúng tôi, Chính phủ cần áp dụng tình trạng khẩn cấp về thuế nhập khẩu, có ưu đãi cho DN như cho vay với lãi suất thấp, giãn hoãn tín dụng và nới lỏng hạn mức cho vay. Đặc biệt, để cứu các DN thép, Chính phủ cần xem xét, cho tiếp tục triển khai các dự án đang bị giãn, hoãn, ngừng thi công".

Ông Lê Mạnh Hoàn - Phó TGĐ Cty CP thép Đình Vũ:

"1/2 trong số 500 DN ngành thép có thể không vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi đề nghị phải xem xét, xử lý những người đã dự báo sai, vô trách nhiệm gây thiệt hại lớn cho DN. Hơn lúc nào hết, các định chế tài chính phải đồng hành cùng DN, cùng Nhà nước giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng nên chấp nhận hòa vốn để cứu DN, giảm lãi để giúp DN giảm lỗ, có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, đừng vì phấn đấu đạt kế hoạch lợi nhuận trong khi DN đang mất từ 70% vốn trở lên".

Ông Trần Tuấn Anh - Phó TGĐ Cty thép Việt - Úc:

"DN chúng tôi đã có uy tín và thương hiệu nhiều năm nay, tuy nhiên, cũng đã phải cho công nhân nghỉ từ 1 tháng nay. Đề nghị các ngân hàng sát cánh với DN giảm lãi suất cho vay vì hiện nay lãi suất cho vay còn rất cao. Đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện các công trình và có hàng rào kỹ thuật ngăn chặn sự xâm nhập ồ ạt của thép nhập khẩu".

Ông Lê Văn Vang - GĐ Cty thép Nam Vang:

"Các DN ngành thép đang hết sức hoang mang vì tình trạng tồn đọng này còn có thể kéo dài sang năm 2009. Tôi kiến nghị với Chính phủ: cho DN vay vốn ưu đãi từ quỹ quốc gia với tỷ lệ 25% vốn điều lệ để tăng sức đề kháng cho DN thép, tạo nguồn vốn lãi suất thấp để cho DN thép vay để bổ sung vốn lưu động; cho giãn nợ cho các món vay từ 6 tháng đến 1 năm, áp thuế thép nhập khẩu với mức tối đa hoặc đánh thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc phụ thu giá nhập khẩu để bình ổn giá, lùi thời hạn nộp thuế đất, thuế thu nhập DN.

Với các DN, cần có sự phối hợp để cùng nhau vượt qua khó khăn. Hạn chế nhập khẩu những mặt hàng còn tồn kho; mua lại hàng của nhau để cơ cấu lại chủng loại cho phù hợp; xây dựng giá bán cho khách hàng và người tiêu dùng trên nguyên tắc hài hòa các lợi ích".

Ông Phạm Thế Hiệp - Giám đốc Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Hải Phòng:

"Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn của các DN, những kiến nghị của DN là chính đáng. Tuy nhiên, là ngân hàng chi nhánh, chúng tôi không thể có giải pháp rõ ràng vì vượt quá khả năng. Hiện nay, mức lãi suất huy động của ngân hàng đang ở mức cao. Nếu giảm lãi suất cho vay thì sợ là sẽ ảnh hưởng đến luồng vốn gửi vào, như vậy, sẽ không đủ vốn cho vay. Chúng tôi sẽ kiến nghị với ngân hàng nhà nước để có chính sách cơ cấu nguồn vốn vay và giãn nợ cho các DN đang khó khăn".


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp