Lại khổ vì giá thép

Cập nhật 28/07/2008 10:00

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá thép liên tục “vùng vẫy” khiến hàng loạt chủ đầu tư “tái mặt” vì không kịp trở tay. Chỉ trong vòng hơn nửa năm qua...

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá thép liên tục “vùng vẫy” khiến hàng loạt chủ đầu tư “tái mặt” vì không kịp trở tay. Chỉ trong vòng hơn nửa năm qua, giá thép tăng mấp mé 50%; con số này có thể tiếp tục lập kỷ lục bởi hiện nay thị trường thép đang như “ngựa bất kham”.

Tăng do tâm lý?

Nếu như tháng 12-2007, giá thép còn ở ngưỡng 13-14 triệu đồng/tấn cũng đã khiến hàng loạt công trình xây dựng “xiêu vẹo”, thì bước qua nửa năm 2008, với mức tăng thêm trên dưới 10 triệu đồng/tấn tình hình càng trở nên căng thẳng.

Anh Võ Văn Điệp, chủ ngôi nhà phố thiết kế 2,5 tầng, đang xây dựng tới phần móng bên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức (TPHCM), đứng nhìn công trình than thở: “Thép chiếm hơn 20% dự toán công trình mà cứ tăng giá vèo vèo kiểu này chắc phải thay đổi thiết kế, chuyển sang dạng nhà cấp 4 ở tạm, chứ theo nó riết chắc hụt hơi”.

Anh Điệp cho biết, sau hơn 20 năm cưới nhau, vợ chồng dành dụm được chút tiền nên lên kế hoạch xây căn nhà diện tích 4x16m, dự kiến tổng dự toán khoảng 700 triệu đồng.

Căn nhà động thổ từ tháng 3-2008, nhưng chỉ sau vài ngày cơn sốt xi măng xảy ra, chạy khắp nơi và chấp nhận giá “trên trời” vẫn không mua được nên phải tạm hoãn.

Khoảng hơn 2 tháng sau, khi nguồn xi măng vừa ổn định, giá thép cũng có chiều hướng giảm nhẹ, vợ chồng anh tiếp tục triển khai công trình. Nhưng, một lần nữa anh chị lại gặp… hạn. “Tính lại toàn bộ giá vật liệu công trình so với dự toán ban đầu tăng trên 30%, trong đó thép, xi măng chiếm gần phân nửa. Cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, kiếm đâu ra hơn 200 triệu đồng mà bù vào”, anh Điệp thất vọng nói.

Thực ra, nếu tính theo giá thép xuất xưởng của các doanh nghiệp sản xuất công bố thì tình hình không đến mức báo động như trên. Song, hiện nay để mua được thép, hầu hết chủ đầu tư phải thông qua đại lý, cửa hàng nên giá trên thị trường bị đẩy cao ngất ngưởng.

Chỉ tính riêng trong tháng 7 này, dù qua ba lần thông báo tăng giá thì giá thép của một số doanh nghiệp như Công ty Thép Pomina, Vina Kyoei đưa ra cũng chỉ ở mức 19 triệu đồng/tấn. Với Tổng Công ty Thép miền Nam cùng với các nhà máy khác, dù mức điều chỉnh có cao hơn (bình quân 1-1,2 triệu đồng/tấn) thì giá cũng chỉ dừng lại mức cao nhất từ 18-18,6 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá thép đến tay người tiêu dùng thấp nhất là 21 triệu đồng/tấn (chưa tính phí chuyên chở). Chưa kể, một số cửa hàng ở các khu vực quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh… giá thép bị đẩy lên vô tội vạ, đến mức 22-23 triệu đồng/tấn.

Lý giải cho việc tăng giá “bất thường” này, giới xây dựng cho rằng, do người dân lo ngại giá thép sẽ còn tăng và khan hiếm sau khi giá xăng dầu tăng nên đổ xô đi mua dự trữ, bất chấp giá cao hơn 2.000-5.000 đồng/kg so với mặt bằng giá chung.

“Tình hình thép hiện nay không khác gì đợt “sốt” xi măng và gạo vừa qua. Trước đây, chúng tôi thường nhận thép theo “định mức” từ công ty sản xuất, sau đó bán lại cho chủ đầu tư theo tiến độ công trình. Nhưng gần đây, hầu hết chủ đầu tư yêu cầu mua “một cục” dù phải trả giá cao. Do đó, chúng tôi phải “chiều” lòng khách nhưng đôi lúc cũng không có hàng để bán”, chủ một cửa hàng kinh doanh thép trên quốc lộ 22, quận Thủ Đức giải thích.

Biện pháp kiểm soát giá...

Nhìn nhận thực tế, các chuyên gia cho rằng, giá thép tăng ngoài việc do yếu tố tâm lý của người dân, thì chủ yếu vẫn xuất phát từ những “điệp khúc” cũ như giá phôi thép, giá thép thành phẩm nhập khẩu và chi phí sản xuất đầu vào tăng.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) giải thích, hiện nay phôi nhập khẩu đã đạt mức 1.200-1.300USD/tấn, trong khi giá thép thành phẩm trong nước chưa được phép tăng, vẫn giữ ở mức hơn 1.000 USD/tấn khiến một số doanh nghiệp cắt giảm 30% công suất, vì càng sản xuất càng lỗ, hoặc tái xuất khiến tình hình thép vào lúc cao điểm bị thiếu hụt. Mặt khác, hàng loạt dự án thép triển khai trước đây, nay phải tạm dừng hoặc chậm tiến độ vì thiếu vốn.

Theo giới chuyên môn, hiện ngành thép trong nước còn phải nhập khẩu khoảng 60% phôi thép, 40% còn lại đã sản xuất được nhưng chủ yếu từ thép phế liệu nên hiệu quả chưa cao.

Cả nước hiện có 8 nhà máy sản xuất phôi thép với công suất thiết kế khoảng 3 triệu tấn/năm, trong năm 2008 ước đạt khoảng 2 triệu tấn, tức chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường.

Do đó, để giải quyết rốt ráo vấn đề giá thép, ngành thép phải sản xuất nguyên liệu phôi trong nước căn cơ hơn. Trong đó, cần chủ động hơn trong khâu nguyên liệu, ngành thép phải đầu tư vào khai thác quặng để sản xuất ra phôi thép.

Để giải quyết thực trạng trên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, đề nghị các ngành chức năng sớm xem xét cho phép doanh nghiệp chủ lực ngành thép tăng giá đầu nguồn theo lộ trình để ổn định sản xuất.

Mặt khác, xem xét hỗ trợ vốn đối với các dự án sản xuất thép khả thi đang triển khai để nhanh chóng đưa vào hoạt động, tăng nguồn cung. Như vậy, may ra mới có thể kiềm cương được giá thép hiện nay, còn không sẽ còn biến động mạnh.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp thép nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn phôi, nhưng đã tái xuất khoảng 200 ngàn tấn phôi, thép các loại.

Hiện nay, giá thép xây dựng của Vina Kyoei, Pomina bán ra tại nhà máy là 19 - 19,2 triệu đồng/tấn; thép của Tổng Công ty Thép VN và các doanh nghiệp khác từ 17,5-17,9 triệu đồng/tấn.


Theo Sài Gòn Giải Phóng