Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2007, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD...
Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2007, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD, xếp thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Nếu đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2008 là ba tỷ USD thì Việt Nam sẽ vượt qua Indonesia và Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và xếp thứ tư thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khi phải nhập 80% nguyên liệu từ bên ngoài. Điều này ảnh hưởng tới tính bền vững của ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam khi nhiều nước nhập khẩu từ châu Âu, Bắc Mỹ đang có nhiều tiêu chuẩn, quy định siết chặt sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp.
Ông Bruce Telfer, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giám sát lâm nghiệp (SGS), cho biết vấn đề khai thác gỗ trái phép đang được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu quan tâm thông qua nhiều chiến dịch tuyên truyền hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ nhằm bảo vệ, phát triển rừng. Nhiều nước thuộc khối EU đã có những kế hoạch như ngăn chặn và không nhập khẩu sản phẩm gỗ trái phép hay có nguồn gốc bất hợp pháp. Hiện nay, các khiếu nại về sản phẩm đồ gỗ không rõ nguồn gốc do sản xuất gỗ khai thác bất hợp pháp ngày càng tăng và là mối đe dọa cho ngành công nghiệp gỗ có lượng xuất khẩu lớn như Việt Nam. Đây cũng là điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm nếu muốn phát triển bền vững.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP