Trái với quy luật hàng năm, thị trường gỗ, nội thất vào những tháng cuối năm vẫn ảm đạm mặc dù thời gian này luôn được cho là mùa cao điểm, sôi động nhất của một năm. Điều này khiến hầu hết dân kinh doanh vẫn tiếp tục lao đao. Nhiều người đã phải bỏ hàng, đóng cửa.
Trái với quy luật hàng năm, thị trường gỗ, nội thất vào những tháng cuối năm vẫn ảm đạm mặc dù thời gian này luôn được cho là mùa cao điểm, sôi động nhất của một năm. Điều này khiến hầu hết dân kinh doanh vẫn tiếp tục lao đao. Nhiều người đã phải bỏ hàng, đóng cửa.
Chết theo bất động sản
Thời gian này dạo qua con phố Đê La Thành - nơi chuyên buôn bán đồ gỗ nội thất nổi tiếng ở Hà Nội - thấy cảnh hàng hóa vẫn ngồi ngóng khách trong cảnh đìu hiu.
Chị Lê Thị Phương, chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất Xuân P, than thở: "Cả năm buôn bán lúc nào cũng trong tình trạng ế ẩm, hàng hóa ngồi ngóng khách. Năm nay, đến mùa cao điểm rồi mà buôn bán vẫn chẳng khá khẩm hơn, vẫn phải bù lỗ tiền thuê mặt bằng, tháng nào khá thì vừa đủ tiền trang trải chứ không có lãi".
Những năm trước vào thời gian này hầu như ngày nào cũng phải gọi điện nhập hàng về mới đủ bán cho ngày hôm sau nhưng năm nay hàng bán chậm, ế ẩm. Ngồi cả ba ngày nay mà không bán nổi một sản phẩm nào từ cao cấp đến bình dân nữa", chị Phương cho hay.
Dẫn xuống kho chứa hàng bụi bẩn phủ một lớp dày đặc, chứa toàn đồ đạc linh tinh cửa hàng không dùng tới, chị Phương nói: "Ngày trước kho lúc nào cũng chứ đầy hàng chứ không như đợt hàng không bán được, kho để trống bụi phủ đầy. Từ khi thị trường bất động sản đóng băng, thị trường gỗ nội thất cũng sống thoi thóp".
Tương tự, anh Thế chủ của hàng gỗ nội thất Thế D., ở đây cũng cho biết mặc dù những tháng cuối năm được cho là mùa làm ăn cao điểm của thị trường gỗ nội thất, tuy nhiên năm nay sức mua của thị trường này vẫn ì ạch chẳng khác là mấy so mùa thấp điểm.
Anh Thế chia sẻ: "Vào những ngày này năm trước, có ngày cửa hàng gỗ nội thất của anh bán được hàng trăm triệu tiền hàng, tính ra thu nhập mỗi ngày như thế cũng vào khoảng 10 - 15 triệu đồng. Nhưng năm nay, BĐS bất động, nhà cửa xây xong không có người mua theo đó hàng gỗ nội thất cũng ế hàng. Hiện tại, vào mua cao điểm sức mua có thể nói là giảm khoảng 80% so với mấy năm trước, nhiều ngày giờ có khi không bán nổi một sản phẩm nào".
Thi nhau đóng cửa
Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng mất cả vài chục triệu đồng trong khi hàng không bán được khiến không ít chủ kinh doanh đành phải đóng cửa bởi vốn liếng ngày càng thâm hụt nhiều, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Sau bốn năm mở cửa hàng kinh doanh bán đồ nội thất trên phố Đê La Thành đến nay, anh Nguyễn Văn Vinh đành phải đóng cửa bởi vốn liếng làm ăn tích cóp sau bao nhiêu năm đều tiêu tan hết khi một năm nay hàng hóa trên thị trường này ế ẩm. Anh Vinh cho biết, gần một năm nay, tháng nào cũng phải chịu lỗ tiền thuê mặt bằng, tiền thuê người bán hàng.
Theo anh Vinh nói, mỗi ngày riêng tiền thuê mặt bằng đã mất cả triệu đồng, ngày nào bán được một hay hai sản phẩm thì coi như hòa vốn, không bán được thì lỗ. Nhưng mà một năm nay thì hàng không bán được, lỗ triền miên chứ chẳng mấy khi hòa vốn. Không thể cầm cự, anh Vinh cho biết đã phải đóng cửa hàng hai tháng nay để tìm cách khác làm ăn.
"Nhiều người khuyên cố giữ cửa hàng thời gian nữa xem sao nhưng thiết nghĩ tình trạng ảm đạm như thế này đã kéo dài cả năm nay mà không có sự thay đổi nên tôi chấp nhận đóng cửa để giữ lại ít vốn còn lại không thì trắng tay là chuyện chẳng xa vời gì", anh Vinh chia sẻ.
Anh Tuấn từng là một chủ cửa hàng gỗ nội thất cũng chia sẻ: "Sau một thời gian thua lỗ do hàng không bán được, anh đã phải chấp nhận thanh lý toàn bộ hàng hóa tại cửa hàng và trả lại mặt bằng".
Mới đầu, làm ăn được anh thuê hẳn hai địa điểm làm cửa hàng bán gỗ nội thất trên phố Đê La Thành nhưng hơn một năm trở lại đây sức mua ì ạch, mỗi tháng bỏ ra vài chục triệu đồng để đóng tiền thuê mặt bằng. Rồi từ hai cửa hàng anh phải rút gọn thành còn một cửa hàng nữa, thế nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh thua lỗ.
Tháng trước, khi tính toán sau một năm buôn bán ế ẩm, anh quyết đóng nốt cửa hàng còn lại. "Giờ từ một chủ kinh doanh khá lớn anh hầu như đã trắng tay và bắt đầu trở thành một anh chạy xe ôm trở hàng thuê kiếm sống", anh Tuấn kể.
Không chỉ có các cửa hàng mới phải đóng cửa, nhiều xưởng sản xuất mặt hàng gỗ nội thất cũng hoạt đồng cầm chừng. Chị Trà chủ một xưởng sản xuất gỗ nội thất ở Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, kinh tế khó khăn, thị trường gỗ nội thất èo uột khách khiến các cơ sở sản xuất cũng bị ảnh hưởng theo.
Nửa năm nay, xưởng của sản xuất của hai vợ chồng chị từ hơn 50 người làm giờ chỉ còn có chưa đầy chục người làm để cầm cự bởi số lượng người đặt hàng giờ cũng hạn chế, không có đơn đặt hàng lớn như trước. Những máy móc lớn đã được cất gọn trong kho vì không phải dùng đến.
Chị Trà cho biết, những người có đất làm xưởng còn có thể sản xuất cầm chừng chứ nhiều người phải thuê mặt bằng làm xưởng đợt này đều đóng cửa vì không chịu nổi khi không có đơn đơn đặt hàng. Đúng là mấy chục năm rồi chưa bao giờ ế như bây giờ.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN