Chưa bao giờ ngành thép lại “nóng bỏng” như hiện nay, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh, trong khi nỗ lực giảm nhiệt gần như không có tác động đáng kể...
Chưa bao giờ ngành thép lại “nóng bỏng” như hiện nay, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh, trong khi nỗ lực giảm nhiệt gần như không có tác động đáng kể.
Về sản xuất, các nhà chuyên môn vẫn đang tìm một “giải pháp hoàn hảo”, nhằm lựa chọn công nghệ sản xuất vừa bảo đảm lợi nhuận, vừa bảo vệ môi trường... Quy hoạch đã có, ngành thép đang muốn sải bước mạnh mẽ, tuy nhiên sau mỗi bước chân đó vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ...
Hiện tại... “thiếu”
Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường, nhu cầu xây dựng trong đó có thép xây dựng luôn tăng với tốc độ rất cao. Nhiều năm qua, nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức hai con số mỗi năm.
Sản lượng phôi thép do các doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng tăng mạnh qua từng năm, và năm 2007 đã đáp ứng 40% nhu cầu phôi thép toàn ngành. Dự báo năm 2008, nhu cầu thép Việt Nam tăng tới 17-20% so với năm 2007.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, cung của thị trường thép rõ ràng vẫn chưa đáp ứng đủ cầu. Chính điều này đã khiến cho thị trường thép luôn nóng trong thời gian qua.
Giá thép từ khoảng 9 triệu đồng/tấn vào cuối năm 2007 thì đến nay đã đạt trên dưới 20 triệu đồng/tấn. Nhiều biện pháp giảm nhiệt giá thép được đưa ra, nhưng dường như nó chưa có tác động đáng kể đến thị trường.
Giá thép vẫn tăng tự do, đẩy giá thành xây dựng công trình lên cao kỷ lục, gây khó khăn cho các chủ đầu tư và người xây dựng.
Nguyên nhân cơ bản vẫn là vấn đề ngành thép Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và chưa có chính sách dự trữ hàng hiệu quả để bình ổn giá.
Thêm vào đó là sự mất cân đối nghiêm trọng trong quá trình sản xuất thép. Trong khi công suất cán nóng dư thừa 30 - 40% thì công suất luyện chỉ đạt 40% nhu cầu. Nguyên liệu lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.
Tương lai... “thừa”?
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam chỉ đặt mục tiêu sản xuất 15-18 triệu tấn thép.
Nghĩa là 10 năm nữa, Việt Nam chỉ cần xây dựng 1-2 liên hợp luyện thép là đủ. Song, chỉ trong vòng 1 năm qua, đã có 5 dự án liên hợp luyện kim thép được cấp phép đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 2 dự án đã khởi công xây dựng là Nhà máy liên hợp Thép Formosa-Sunco tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), công suất 15 triệu tấn/năm và Tycoon-E.United tại Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm.
Những dự án khác đang chuẩn bị triển khai là Liên hợp Thép liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Tata của Ấn Độ tại khu kinh tế Vũng Áng, công suất khoảng 6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD vừa được ký kết hợp đồng liên doanh; Liên hợp thép của Tập đoàn Thép Posco (Hàn Quốc) dự kiến đặt ở vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), công suất 4 triệu tấn/năm...
Như vậy, chỉ sau 5 đến 7 năm nữa, khi các dự án trên đi vào sản xuất, ngành công nghiệp thép Việt Nam có tổng công suất lên tới vài chục triệu tấn/năm. Khả năng dư thừa là rất cao.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, chúng ta cần dự tính đến tình hình dư thừa thép ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo, sau khi Trung Quốc hoàn thành các công trình xây dựng cho Thế vận hội 2008 thì tốc độ xây dựng của quốc gia này chậm lại, khi đó nhu cầu thép nội địa sẽ giảm và chắc chắn lượng thép dư thừa sẽ tràn vào Việt Nam, và điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ.
Và khó kiểm soát công nghệ
Vấn đề đặt ra là nếu thiếu quy hoạch và kiểm soát đầu tư thì nhiều dự án luyện có quy mô vừa và nhỏ sử dụng công nghệ hao tốn nguyên liệu sẽ ra đời ồ ạt.
Điều này không những gây ra vấn đề về môi trường và thiếu hụt năng lượng, mà còn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn phế liệu và các công ty phải cạnh tranh gay gắt với nhau để mua nguồn nguyên liệu.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong số 5 dự án kể trên chỉ có 1 dự án có vai trò của Việt Nam là dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Tata (Ấn Độ) nhưng đang gặp khó khăn về sở hữu quặng mỏ Thạch Khê, còn lại là các dự án 100% vốn của nước ngoài.
Nếu để toàn bộ liên hợp thép là 100% vốn nước ngoài, Việt Nam chỉ có thể giám sát được ở 2 lĩnh vực là công nghệ và đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, cả 2 lĩnh vực này nếu Việt Nam không trực tiếp tham gia dự án, chỉ bằng những thông tin nêu trong hồ sơ, cũng không có đủ cơ sở để giám sát dự án.
Chính phủ phân cấp đầu tư cho các địa phương được quyết định với các dự án đầu tư của nước ngoài. Trong khi đó, các địa phương chưa có đủ năng lực để thẩm định hồ sơ dự án, công nghệ, thiết bị của nhà máy như thế nào.
Vì vậy, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ, Việt Nam có thể trở thành “bãi rác” của thế giới và nguy cơ ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành thép phát triển bền vững cần quy hoạch lại số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất thép. Chỉ nên có 2 hoặc 3 công ty thật lớn tham gia vào sản xuất thép.
Những công ty này với tiềm lực tài chính mạnh sẽ thực hiện các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có chiến lược đầu tư bài bản từ khâu thu mua phế liệu đến phân phối, đủ sức cạnh tranh với các công ty, tập đoàn trong khu vực. Không nên khuyến khích thành lập các công ty có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Theo Hà Nội Mới