Giá thép tăng gần 4,6 triệu đồng/tấn sau 5 tuần

Cập nhật 13/04/2010 10:10

Trước thời điểm 1/3/2010, giá thép mua vào mới ở mức 12,4 triệu đồng/tấn, đến nay đã tiến tới ngưỡng gần 17 triệu đồng/tấn. Tức là chỉ sau hơn 5 tuần, giá thép đã tăng gần 4,6 triệu đồng/tấn.

Trước thời điểm 1/3/2010, giá thép mua vào mới ở mức 12,4 triệu đồng/tấn, đến nay đã tiến tới ngưỡng gần 17 triệu đồng/tấn. Tức là chỉ sau hơn 5 tuần, giá thép đã tăng gần 4,6 triệu đồng/tấn.


Trước việc giá thép tăng cao, Bộ Công Thương đã yêu cầu VSA, VNSteel phải báo cáo giá thép hằng ngày của các doanh nghiệp sản xuất thép.

Giá thép trên thị trường trong nước “bốc hỏa” trong thời gian qua một phần là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Mặt khác, một số doanh nghiệp và công ty thương mại đã lợi dụng việc này đẩy giá thép cao tới mức khó chấp nhận, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người tiêu dùng và làm méo mó thị trường.

"Ôm" hàng chờ... tăng giá


Nhiều chủ kinh doanh vật liệu xây dựng nhận định, trong khi các vật liệu như xi măng, gạch, đá, cát, sỏi chỉ tăng giá từ 10 đến 20% thì thép xây dựng là mặt hàng tăng mạnh nhất trong 5 tuần gần đây. Tuy vậy, nhiều chủ cửa hàng cho rằng vẫn chưa tăng đến đỉnh điểm, nếu không mua ngay, giá thép sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Trên thực tế, giá nguyên liệu để sản xuất thép như phôi thép, quặng sắt, than... trên thế giới đang tăng lên từng ngày. Giá phôi thép có doanh nghiệp vừa ký được hợp đồng ở mức 614 USD/tấn, nhưng đến hôm sau đã là 640 USD/tấn và mức giá đề nghị là 670 USD/tấn. Còn giá quặng sắt, ba nhà cung ứng lớn nhất của Australia và Brazil đã tăng hơn 50% so với giá của năm 2009, từ mức 85 USD lên 152 USD/tấn.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các công ty thương mại, vốn đang rất tích cực “ôm” thép với khối lượng lớn để chờ giá lên, tạo ra lượng tiêu thụ ảo vì họ dự đoán giá thép sẽ tiếp tục tăng, nên tình trạng “găm hàng” khó tránh khỏi.

Điều này cũng được Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường thừa nhận. Trong quý 1, mặc dù thời gian nghỉ Tết kéo dài và không có nhiều công trình lớn được khởi công xây dựng, nhưng lượng tiêu thụ thép lại tăng mạnh. Tháng 3/2010, các doanh nghiệp thuộc VSA tiêu thụ gần 559.000 tấn, tăng 88% so với tháng trước và tăng 57,7% so với cùng kỳ 2009. Tính cả 3 tháng, tiêu thụ thép của các thành viên đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 54,4% so với năm trước.

Ông Cường cũng cho rằng, nền kinh tế đã hồi phục, nhiều doanh nghiệp thương mại nắm bắt được giá thép có xu hướng tăng đã ôm hàng vào với số lượng lớn chờ thời cơ bung hàng. Ngoài ra, các đại lý cũng lợi dụng diễn biến thị trường để “té nước theo mưa”, nâng giá kiếm lời, đẩy thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn do thiếu thép “ảo”.

Theo quy luật thị trường, khi tăng tới đỉnh, giá thép sẽ chững lại và trở về mức cũ. Điển hình như diễn biến của thị trường năm 2008, khi giá thép tăng tới 60 - 70% rồi hạ bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp dẫn đến tình trạng tồn kho lớn, không tiêu thụ được.

Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng nhìn nhận, việc nhu cầu thép tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4 có khả năng tiềm ẩn yếu tố tích trữ, đầu cơ. Như vậy, phần nhiều lượng thép các nhà máy bán ra vẫn chưa đưa vào sử dụng mà còn ở dạng tồn kho.

Cơ quan chức năng đi tìm lời giải


Trước việc giá thép tăng cao, Bộ Công Thương đã yêu cầu VSA, VNSteel phải báo cáo giá thép hằng ngày của các doanh nghiệp sản xuất thép. Yêu cầu này được đặt ra trong bối cảnh giá thép tăng giá nhanh và quá cao trong thời gian qua đã khiến một loạt công trình có nguy cơ bị ngừng trệ do chi phí nguyên vật liệu trượt giá quá lớn so với dự toán trước đó.

Theo đó, VSA đã yêu cầu một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn báo cáo nhanh tình hình giá thép đến ngày 9/4/2010, sau đó nếu tăng hoặc giảm sẽ phải có báo cáo kịp thời thay vì báo cáo hằng ngày. Bên cạnh đó, tổ công tác về giá thép của liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đang tiến hành khảo sát chi phí sản xuất thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất thép, cũng như tại một số công ty phân phối thép lớn, nhằm sớm tìm ra câu trả lời về nguyên nhân giá thép tăng cao trong thời gian qua.

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, bước đầu kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp thép hạch toán chưa đúng chế độ. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ yêu cầu doanh nghiệp tính toán lại các chi phí đầu vào, chi phí cấu thành lên giá thép hiện tại để có thể đưa ra giá cả hợp lý. Đồng thời, có văn bản nghiêm túc yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm các chi phí, thực hiện đúng định mức để giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Theo VNSteel, hiện nay công suất cán thép xây dựng cả nước đã lên trên 7 triệu tấn/năm, riêng hệ thống VNSteel gần 4 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của cả nước chỉ hơn 5 triệu tấn. Cung vượt xa cầu và áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước (trên 30 doanh nghiệp lớn nhỏ) và nguy cơ từ thép nhập khẩu do mức thuế bảo hộ đối với ngành thép hiện khá thấp sẽ làm giảm áp lực tăng giá.

Hiện lượng thép xây dựng gối đầu của các nhà sản xuất vẫn ở mức an toàn, khoảng 200.000 tấn, dự trữ phôi thép cũng đang ở mức cao 530.000 tấn, cộng với lượng hàng sản xuất hàng tháng đủ đáp ứng cho nhu cầu các tháng tới. Tình trạng tồn kho cao và áp lực về cầu trong thời gian tới sẽ giảm, góp phần hạ nhiệt về giá thép trong nước.

Dự báo về thị trường thép thế giới, VNSteel nhận định sẽ còn diễn biến phức tạp, nhưng do giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, than mỡ, thép phế, phôi thép) đều đã tăng 50-100% so với 2009 và đã lên tới vùng giá cao, nên mức tăng sẽ chậm lại.

Với vai trò “đầu tàu” trong việc bình ổn thị trường thép, VNSteel đã xây dựng kế hoạch tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng 2010, đồng thời liên tục theo dõi, chỉ đạo các đơn vị thành viên tham gia bình ổn thị trường hướng tới 2 mục tiêu lớn: kiềm chế giá thép và đảm bảo cung ứng đủ thép cho thị trường. Vì vậy, giá bán của VNSteel trong quý 1cũng như trong quý 2sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc giá được điều chỉnh trên cơ sở chi phí đầu vào hợp lý, tiết kiệm và thấp hơn giá thị trường để không gây đột biến về giá, góp phần bình ổn thị trường đồng thời đảm bảo không bị lỗ.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy