Hai ngày sau khi Bộ Công thương công bố tăng giá điện, ngày 3-3, nhiều nhà máy thép đã đồng loạt thông báo tăng thêm 300.000 đồng/tấn (giá tại thời điểm trước đó là 11,5 triệu đồng/tấn).
Ba lần điều chỉnh tiếp theo, giá thép tiếp tục tăng thêm tương ứng 300.000 đồng, 400.000 đồng và 500.000 đồng/tấn. Như vậy, tính đến thời điểm này, giá bán tại các nhà máy thép đã tăng khoảng 1,5-2 triệu đồng/tấn.
Nhà sản xuất: Nhiều lý do
Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, hiện giá thép cuộn, thép tròn đốt tại nhà máy (chưa VAT) của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với tổng công ty cho các đại lý phổ biến ở mức: phía Bắc từ 13,14 đến 13,23 triệu đồng/tấn (VPS, Gang thép Thái Nguyên); phía Nam từ 13,27 đến 13,5 triệu đồng/tấn (thép miền Nam, Vinakyoei...).
Giá thép tăng do nhiều nguyên nhân, đáng nói là việc các doanh nghiệp thương mại tự ý tăng giá. |
Theo nhận định của Bộ Công thương, giá điện, giá xăng, lãi suất vay ngân hàng, tỷ giá USD… tăng chỉ ảnh hưởng một phần vào giá thành thép xây dựng. Giá thép tăng mạnh như vừa qua chủ yếu là do giá phôi nhập khẩu tăng cao. Hiện nay, khi tính giá bán, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều dựa trên giá phôi nhập khẩu mà bỏ qua phần phôi thép mình đã sản xuất được. Trong khi nửa đầu tháng 3-2010, lượng phôi thép được các DN nhập khẩu chỉ khoảng 50.000 tấn với giá nhập bình quân vẫn dưới 500 USD/tấn, thấp hơn 60-80 USD/tấn như hiện nay.
Giải thích lý do vì sao nhập phôi về giá thấp lại bán thép giá cao, các DN cho rằng, ngành thép phải bảo toàn vốn để tái sản xuất, phải bảo đảm làm sao bán 1 tấn thép thành phẩm vẫn nhập được 1 tấn nguyên liệu. Hơn nữa, không thể lấy lãi của 1-2 tháng để đánh giá là ngành thép đang lãi lớn, phải lấy lãi tháng này bù trừ cho những tháng trong năm.
Tùy tiện tăng giá
Hiện giá bán thép trên thị trường bán lẻ dao động ở mức: phía Bắc 14,5-14,7 triệu đồng/tấn; phía Nam 14,2-15 triệu đồng/tấn tùy từng chủng loại. Qua đó cho thấy, giá bán của các đại lý ra thị trường bán lẻ có chênh lệch lớn so với giá của các nhà sản xuất, khoảng từ 800 nghìn đến gần 1 triệu đồng/tấn. Điển hình như Thép Việt (Pomina), giá bán do nhà máy công bố là 13,7 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán lẻ ngoài thị trường là 14,6 triệu đồng/tấn, chênh 900.000 đồng/tấn…
Trong lúc giá thép đang "sốt", các DN thương mại lại tăng cường mua vào để chờ cơ hội bán giá cao. Tháng 3, sản xuất và tiêu thụ thép tăng mạnh so với tháng trước (trái với quy luật hằng năm).
Lượng thép sản xuất tháng 3 ước đạt 400.000 tấn, tăng 121.400 tấn so với tháng trước; lượng tiêu thụ ước đạt 450.000 tấn, tăng 147.476 tấn so với tháng trước, tăng 51% so với cùng kỳ 2009. Trong khi tồn kho thép thành phẩm ở mức mỏng 200.000 tấn. Mặc dù tiêu thụ thép rất tốt, nhưng hiện nay có hiện tượng một số DN và đại lý ghìm giữ lượng bán ra, thậm chí không bán vì lo ngại giá thép còn tăng.
Việc giá thép tăng quá cao như hiện nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng, các DN xây dựng và với chính ngành thép trước sức ép cạnh tranh với thép ngoại. Các DN thương mại và các đại lý không thể đưa ra lý do để bảo toàn vốn bằng sản phẩm, khi họ đẩy giá thép lên cao, hưởng chênh lệch bất hợp lý gần 1 triệu đồng/tấn so với giá của các nhà sản xuất.
Nguồn cung cao hơn nhu cầu
Với nhu cầu thép đa dạng để phục vụ phát triển với tốc độ khá cao, trong khi sản xuất thép trong nước mới đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và mới chỉ tập trung cho các công đoạn sản xuất ở hạ nguồn (nhập phôi để cán sản phẩm). Vì vậy, số lượng nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam những năm gần đây tăng lên rất mạnh, ngành thép trở thành ngành kinh tế tiêu tốn lượng ngoại tệ lớn, tỷ lệ nhập khẩu cao.
Sau sự tăng đột biến về xuất khẩu vào năm 2008 khi lượng thép xuất khẩu đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD (chủ yếu là tái xuất nguyên liệu phôi thép và thép cán nóng), thì xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2009 đã giảm đáng kể cả về kim ngạch và số lượng. Tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 chỉ đạt hơn 571.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu hơn 444 triệu USD.
Năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép các loại, trong đó có thép cán nguội, thép cuộn là những sản phẩm trong nước tự sản xuất được và đang dư thừa. Quý I-2010, đã có 57.000 tấn thép cuộn và 68.000 tấn thép mạ các loại được nhập về trong tổng số 1,7 triệu tấn thép thành phẩm nhập vào Việt Nam. Kết quả tính toán của ngành chức năng cho thấy, nếu hạn chế nhập khẩu hai loại thép này trong thời gian tới sẽ tiết kiệm được khoảng 700 triệu USD, góp phần giảm nhập siêu.
Hiện nay nguồn cung thép cho thị trường vẫn cao hơn nhu cầu, chưa kể trong năm nay, một số dự án thép lớn đi vào sản xuất sẽ khiến lượng thép cung cấp ra thị trường nhiều gấp 3 lần sức tiêu thụ. Bên cạnh đó, thép nội luôn phải cạnh tranh khốc liệt với thép ngoại vốn có giá rẻ hơn luôn rập rình tràn vào thị trường. Nếu các DN tiếp tục đẩy giá lên cao rất có thể sẽ phải chịu thiệt hại kép cho cả người tiêu dùng, DN và chính ngành thép.
Giá chào phôi nguồn CIS phổ biến ở mức 530-550 USD/tấn FOB Biển Đen, tăng khoảng 80 USD/tấn so với tháng trước và tăng 115-125 USD/tấn so với cuối năm 2009. Giá chào phôi thép (nguồn từ Nga, Thái Lan...) cho Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, phổ biến ở mức 580-620 USD/tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với tháng trước. Giá chào thép phế liệu phổ biến ở mức 430-460 USD/tấn CFR loại HSM1/2 80:20, tăng 60 USD/tấn so với tháng trước.
Sản lượng phôi thép trong nước đã đáp ứng được 60% nhu cầu nhưng 40% phôi còn lại và đến 80% lượng phế liệu thép vẫn phải nhập khẩu.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới