Thị trường thép liên tục biến động từ đầu năm đến nay vì các đợt tăng giá. Đây là lý do các doanh nghiệp thép lớn đạt lợi nhuận cao hơn là thua lỗ. Tuy nhiên, xu hướng thị trường...
Thị trường thép liên tục biến động từ đầu năm đến nay vì các đợt tăng giá. Đây là lý do các doanh nghiệp thép lớn đạt lợi nhuận cao hơn là thua lỗ. Tuy nhiên, xu hướng thị trường những tháng cuối năm sẽ ổn định và giảm giá.
Những nhận định trên được một số chuyên gia thực hiện điều tra về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép bảy tháng đầu năm báo cáo về cho Bộ Công Thương. Các chuyên gia cũng đưa ra những kiến nghị về giá nhằm bình ổn thị trường những tháng cuối năm.
Ngành thép lãi cao
Ảnh hưởng của lạm phát, các nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng giá, giá xăng dầu trong nước cũng tăng cao... là lý do được các doanh nghiệp thép đưa ra cho các đợt tăng giá từ đầu năm đến tháng 7 năm nay.
Nhiều doanh nghiệp lý giải rằng giá thế giới tăng cộng với việc thắt chặt tín dụng và kiểm soát một phần giá bán khiến cho các doanh nghiệp phải chịu lỗ nặng.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty thép lớn cho thấy họ có lãi cao nhờ các đợt tăng giá liên tục và do chủ động được nguyên liệu đầu vào từ cuối năm trước.
Theo khảo sát của các chuyên gia, có thể kể ra một số công ty thép có lợi nhuận lớn. Cụ thể, Công ty cổ phần Thép Việt Ý lợi nhuận sau thuế sáu tháng là 39,14 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thép Đình Vũ lợi nhuận gấp 18 lần của sáu tháng năm trước, đạt hơn 227 tỉ đồng, Công ty cổ phần Hòa Phát lợi nhuận 735,52 tỉ đồng cũng với mặt hàng kinh doanh chủ lực là thép.
Tại Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC, lũy kế lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm tăng 133% so với sáu tháng cùng kỳ năm trước (đạt 47,5 tỉ đồng), chỉ tính riêng mặt hàng thép đạt lợi nhuận 46 tỉ đồng.
Ngay cả Tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị nhà nước phải kiềm chế giá bán theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện chưa có công bố lợi nhuận chính thức sáu tháng nhưng bốn tháng đầu năm đã đạt 409 tỉ đồng lợi nhuận do trữ được nguồn phôi giá rẻ từ thời gian trước.
Các doanh nghiệp thua lỗ trong ngành này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và vay lãi ngân hàng với giá cao, nhập khẩu đầu vào ở thời điểm giá cao. Tuy nhiên, con số này không chiếm tỷ trọng lớn so với các doanh nghiệp có lãi lớn trong ngành kinh doanh thép.
Dự báo giá thép tiếp tục giảm
Dự báo về thị trường trong nước năm tháng cuối năm, các chuyên gia cho biết từ đầu tháng 8 đã có những dấu hiệu giảm giá do cung lớn hơn cầu và nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp đều được chuẩn bị với giá thấp, thép thành phẩm còn tồn kho 446 ngàn tấn trong khi các công trình xây dựng bị đình trệ do thiếu vốn và ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ.
Dù nhu cầu về quặng sắt và thép phế liệu trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao nhưng nếu giá dầu tiếp tục giảm, giá nhập khẩu nhóm hàng vật tư giảm thì giá thành sản xuất trong nước cũng giảm theo.
Theo tính toán của các chuyên gia, dự kiến giá bán buôn thép hợp lý (chưa tính thuế giá trị gia tăng) trong năm tháng cuối năm trung bình vào khoảng 14 triệu đồng/tấn thì giá thép bán lẻ dao động khoảng 16 triệu đồng/tấn, thậm chí còn giảm hơn.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ thép hiện đã xuống thấp so với những tháng trước xuất phát từ các nguyên nhân nói trên cũng như do sức tiêu thụ trên thị trường giảm xuống đáng kể.
Theo ông Cường, mức tồn kho của các doanh nghiệp thép trong nước hiện còn khoảng 300 ngàn tấn. Tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp tiêu thụ được khoảng 120 -130 ngàn tấn, chỉ bằng một nửa so với tháng 7 là 250 ngàn tấn.
Trong khi đó, cùng thời điểm các năm trước các doanh nghiệp thép thường tiêu thụ được cỡ 300 ngàn tấn. "Với mức nhập phôi hiện tại khoảng 850 đô la Mỹ/tấn, nếu doanh nghiệp nào không trữ được nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ những tháng trước mà nay bán ở mức 16 triệu đồng/tấn thì bắt đầu lỗ", ông Cường nhận định.
Bộ Công Thương đã giao cho Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại tăng cường phân tích, dự báo kịp thời các diễn biến có thể xảy đến trên thị trường thép để giúp các cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp nhằm bình ổn thị trường trong trường hợp cần thiết.
Theo đó, có thể xác định và cung cấp thông tin rộng rãi về khung giá bán buôn của doanh nghiệp, niêm yết tại các nhà máy và trên phương tiện thông tin đại chúng để chống hiện tượng tự ý tăng giá bất hợp lý của các nhà máy hoặc các đại lý phân phối.
Theo TBKTSG