Giá thép trong nước và thế giới đều đua nhau tăng |
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thép đã 4 lần tăng giá bán với tổng mức tăng từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tấn. Đến ngày3/4, hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam đồng loạt tăng giá bán khoảng 500.000 đồng/tấn cho các hợp đồng giao tại nhà máy. Các chuyên gia phân tích đang bày tỏ lo ngại, kịch bản cũ năm 2008 sẽ tái hiện với mức giá trên 20 triệu đồng/tấn.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, một trong những nguyên nhân đẩy giá thép trong nước lên cao là do từ ngày 1/4, giá quặng trên thị trường thế giới đã tăng 50%, giá than mỡ tăng hơn 80%, giá gang luyện thép cũng tăng cao hơn so với năm 2009. Đặc biệt, gần đây nhất, Australia - nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới đã tuyên bố sẽ chỉ bán theo quý chứ không ký hợp đồng dài hạn như trước để tiếp tục điều chỉnh giá trong thời gian tới. Động thái này lần đầu tiên được áp dụng đã tác động không nhỏ tới tâm lý của các nhà sản xuất trong nước và cho thấy giá thép sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Hiện giá chào phôi thép từ Nga, Đài Loan, Thái Lan vào Việt Nam phổ biến ở mức từ 580 đến 620 USD/tấn, tăng 70 đến 80 USD/tấn so với tháng trước và tăng 115 đến 130 USD/tấn so với tháng 12/2009. Giá chào thép phế cũng ở mức 430 đến 460 USD/tấn, tăng 60 USD/tấn so với tháng trước.
Trong nước, giá bán thép cũng liên tục được điều chỉnh tăng. Giá bán thép cuộn chưa tính thuế giá trị gia tăng của Tổng công ty Thép Việt Nam trụ sở phía Nam ở mức 13,77 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 13,87 triệu đồng/tấn. Thị trường bán lẻ thép phổ biến ở mức 14,5 triệu đến đến 15 triệu đồng/tấn, có nơi bán gần 16 triệu đồng/tấn.Cụ thể, giá thép các loại như Thép Miền Nam, Pomina, VinaKyoel được các đại lý bán lẻ thông báo khoảng 15,2 triệu đồng/tấn, tăng thêm 500.000 đồng/tấn so với cuối tháng 3.Xi măng Hà Tiên 1 và Holcim cũng được rao bán ở mức 67.000 đồng/bao, tăng 2.000 đồng/bao so với tuần trước.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường, tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với đại diện các bộ, ngành để bàn các giải pháp kiểm soát nhập khẩu đối với sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất được, đại diện các bộ, ngành lưu ý các doanh nghiệp sản xuất không nên tăng giá mạnh, mà tăng dần dần, tránh gây sốc cho thị trường và cũng để tránh thép ngoại tràn vào gây khó cho tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép cũng khuyến nghị các nhà quản lý có dự báo thường xuyên để định hướng người tiêu dùng và để tránh gây sốc cho thị trường về giá cả. Mặt khác, kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, lợi dụng để tăng giá thép.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp