“Giá thép không thể không tăng”

Cập nhật 06/08/2010 16:15

Sau quãng thời gian rớt giá mạnh, trong tháng 7 giá thép đã tăng tới 1,3 triệu đồng/tấn.


Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi.
Sau quãng thời gian rớt giá mạnh, trong tháng 7 giá thép đã tăng tới 1,3 triệu đồng/tấn.

Trao đổi với VnEconomy, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho rằng không thể không tăng giá, vì nếu phải bán dưới giá thành, doanh nghiệp sản xuất sẽ khó tồn tại.

Theo ông Nghi, nhìn một cách tổng thế, thời gian qua, diễn biến giá của mặt hàng này có thể chia thành hai giai đoạn. Cuối năm 2009 đến giữa tháng 4/2010, thép xây dựng tại thị trường trong nước liên tục tăng cao cả về lượng tiêu thụ và giá.

Trong thời gian này, có thể nói giá thay đổi từng tuần. Trước tình hình đó, đã có hai đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vào cuộc. Tuy nhiên, kết quả đều cho rằng việc tăng giá thép không có gì bất hợp lý.

Thực tế, vào thời gian đó, giá phôi thép trên thế giới ở mức khá cao, khoảng 670-690 USD/tấn, thép phế 480-500 USD/tấn. Cộng thêm với việc tăng giá điện, giá xăng dầu đã khiến giá thép tăng mạnh.

Sang quý 2, lượng tiêu thụ thép đột ngột giảm mạnh đã làm cho giá thép liên tục đi xuống. Đến tháng 6, nhiều doanh nghiệp vì lý do tài chính buộc phải bán thép dưới giá thành sản xuất từ 1-1,3 triệu đồng tấn (giá thành sản xuất bình quân khoảng 12,5 triệu đồng/tấn).

* Nguyên nhân chính khiến giá thép đột nhiên tăng mạnh là gì, thưa ông?

Sau khi chạm “đáy” vào tháng 6, giá thép bắt đầu đi lên, với mức độ tăng khá mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do vào thời điểm này, giá phôi thép trên thị trường thế giới sau một thời gian giảm xuống dưới 500 USD/tấn, bắt đầu tăng trở lại và đứng ở mức 570- 590 USD/tấn. Thép phế cũng tăng lên mức 490- 510 USD/tấn.

Tiếp đến, lượng thép tồn kho của các nhà phân phối sang tháng 7 cũng đã cạn dần, buộc họ phải nhập hàng khiến nhu cầu tăng lên, cùng với đó, giá thép đã tăng theo. Mặc dù, mức tăng giá thời gian qua là khá mạnh, nhưng theo ghi nhận từ VSA, thời điểm này, giá thép vẫn chỉ được các nhà máy bán ra ở mức 12,5 - 13 triệu đồng/tấn (chưa kể VAT).

Ở trong nước, các doanh nghiệp thép trong không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu, nên không thể tùy tiện tăng giá bán. Thực tế mức tăng đó là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.

* Vậy ông nghĩ sao khi sản phẩm thép nhập khẩu từ ASEAN vào nước ta có những thời điểm, giá bán thấp hơn giá thép trong nước tới 500.000 đồng/tấn?

Phải thừa nhận rằng hiện ngành thép có cả trăm nhà máy nhưng 20% trong số này đang sử dụng công nghệ rất lạc hậu; trên 50% số nhà máy có công nghệ ở mức trung bình. Số còn lại công nghệ cũng chỉ là tiên tiến.

Đây chính là lý do khiến giá thành sản xuất của thép trong nước vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, dù chất lượng ngang nhau. Đối với dây chuyền hiện đại, tiêu hao dầu để sản xuất một tấn thép chỉ là 35 kg, trong khi đó các dây chuyền cũ “ngốn” tới 50kg. Tương tự tiêu hao kim loại ở các dây chuyền mới chỉ ở mức 1,02-1,03 tấn nguyên liệu/tấn sản phẩm thì hiện nhiều nhà máy của ta con số này là 1,07-1,08 tấn.

Thêm vào đó, thép nhập khẩu từ ASEAN vào nước ta đã được áp dụng mức thuế 0%.

* Sáu năm nữa (năm 2016), thép nhập khẩu vào Việt Nam từ tất cả các nước sẽ được hưởng thuế suất là 0%, không lẽ thị trường thép sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài?

Điều này rất có thể xảy ra nếu những yếu tố kể trên không sớm được cải tiến và các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy có quy mô nhỏ như hiện nay.

* Về diễn biến giá cả, theo ông những tháng tới mặt hàng thép có tiếp tục những đợt tăng giá mạnh?

Tháng 8, do tình hình mưa bão có nhiều diễn biến phức tạp, nên theo dự báo chắc lượng tiêu thụ sẽ giảm hơn trong tháng 7 vừa qua (chỉ khoảng 350-400 nghìn tấn). Giá bán sẽ giữ như mức hiện nay chứ khó điều chỉnh tăng hay giảm. Sang tháng 9, lượng tiêu thụ sẽ tăng hơn và giá bán có thể tiếp tục tăng.

* Vậy những tháng cuối năm, cao điểm của mùa xây dựng, liệu giá thép có trở lại mức kỷ lục 21 triệu đồng/tấn không, thưa ông?

Thép là mặt hàng rất khó dự báo giá trong dài hạn. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, 70% lượng phôi thép nước ta vẫn phải nhập khẩu và lượng thép phế phải nhập là 47%. Do đó, nếu tới đây giá thế giới có biến động mạnh thì giá trong nước cũng phải điều chỉnh theo. Còn mức giá kỷ lục thép đã từng lập là 21 triệu đồng/tấn là do khi đó giá phôi trên thế giới đã chạm mức 1.150 USD/tấn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy