Giá thép giảm mạnh, doanh nghiệp kêu cứu

Cập nhật 01/09/2008 13:00

Do tác động giảm giá từ thị trường thế giới trong khi sức tiêu thụ thép trong nước những ngày gần đây chững lại, giá thép xây dựng đã giảm mạnh...

Do tác động giảm giá từ thị trường thế giới trong khi sức tiêu thụ thép trong nước những ngày gần đây chững lại, giá thép xây dựng đã giảm mạnh khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi và thép không tiêu thụ được sản phẩm, phải cầu cứu cơ quan quan chức năng.

Sức tiêu thụ và giá cùng giảm mạnh

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá phôi thép trên thị trường thế giới đã giảm mạnh từ mức 1.150-1.200 USD/tấn hồi tháng 7 xuống mức dưới 900 USD/tấn hiện nay đã tác động mạnh đến thị trường thép trong nước nên giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp thép cũng giảm theo.

Hiện giá bán thép xây dựng tại nhà máy, chưa trừ triết khấu và thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp ở mức 16,8 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn và 17,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây, giảm gần 3 triệu đồng so với tháng 7, tháng có mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài thị trường, giá thép xây dựng cũng giảm theo, nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tấn.

Theo nhiều đại lý kinh doanh thép, do trước đây có thông tin giá thép có thể còn tăng cao hơn nữa nên nhiều đại lý, doanh nghiệp thương mại đã trữ hàng với số lượng lớn giá cao, nay giá thép giảm họ chưa thể giảm ngay theo giá của nhà máy.

Ngược lại với các mặt hàng khác, trong khi giá giảm sức tiêu thụ sẽ tăng nhưng trong tháng các tháng qua, sức tiêu thụ thép xây dựng tháng sau lại giảm mạnh hơn tháng trước.

Tháng 6, tiêu thụ được 300.000 tấn, tháng 7 tiêu thụ 250.000 tấn, còn tháng 8, chỉ tiêu thụ khoảng 120.000 tấn và được coi là tháng có sức tiêu thụ thấp nhất từ trước đến nay.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, giá thép trên thị trường thế giới giảm là do giá dầu thô đã giảm mạnh, tình hình lạm phát và nền kinh tế nhiều quốc gia gặp khó khăn nên nhu cầu thép cho xây dựng giảm.

Ở trong nước, thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ nên nhiều công trình lớn cũng bị hoãn, giãn tiến độ khiến nhu cầu mặt hàng này giảm mạnh.

Ngoài ra, thời điểm này cũng đang là mùa mưa bão nên các công trình thi công chậm và đặc biệt là trước đà giá thép tăng cao trong tháng 7, nhiều công trình và doanh nghiệp thương mại đã mua lượng hàng lớn, nay giá giảm doanh nghiệp thương mại xả hàng để thu hồi vốn.

Doanh nghiệp thép kêu cứu

Mặc dù các doanh nghiệp đã đua nhau giảm giá bán kể cả phôi lẫn sản phẩm thép, nhưng lượng hàng vẫn tồn đọng lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp không có vốn để quay vòng, muốn xuất khẩu thì phải chịu mức thuế quá cao không thể cạnh tranh được với giá phôi thép của Trung Quốc và các nước trong khu vực đang chào bán.

Vừa qua, 4 nhà sản xuất phôi lớn là thép Vạn Lợi, Đình Vũ, Hưng Tài và Thép Việt đã có công văn “kêu” về những khó khăn về tình hình tài chính của mình và kiến nghị VSA cùng cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ để thu hồi vốn.

Theo đó, 4 doanh nghiệp này đang tồn đọng khoảng 45.000 tấn phôi, tương đương 900 tỷ đồng trong khi không bán được hàng vẫn phải trả vốn vay với lãi suất cao, lương công nhân, tiền điện lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.

Trong khi đó, chỉ trong vòng một tháng giá thép thế giới đã giảm xuống 25%, nếu không có biện pháp giải tỏa hàng tồn kho, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lỗ do lãi suất vay cao và phôi thép thế giới giảm.

Theo nhận định của VSA, sở dĩ có việc tái xuất phôi thép trong tháng 5 và 6 vừa qua là do các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nhưng sang tháng 7, khi khó khăn này đã được giải quyết thì việc tái xuất đã giảm hẳn.

Trong tháng 5, lượng phôi xuất khẩu là hơn 67.000 tấn, tháng 6 là hơn 300.000 tấn và sang tháng 7 chỉ còn 12.000 tấn.

VSA cho rằng thời điểm này, thị trường thép thế giới và trong nước đã thay đổi, giá phôi giảm nhanh, tiêu thụ thép giảm.

Vì vậy, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước, VSA kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 10% như quyết định ngày 28/6/2008 của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét thành lập quỹ dự trữ phôi thép nhằm bình ổn giá thép trong nước khi phôi thép thế giới có biến động lớn.

Mặt khác, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên tài chính cho các nhà sản xuất phôi thép và cho các công trình xây dựng nhằm giải quyết khó khăn về vốn, tạo thuận lợi cho các công ty sản xuất thép, tăng lượng thép tiêu thụ trong nước.

Theo TTXVN