Trong năm 2008, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép luôn trong tình thế "bấp bênh", do sự "nóng lạnh" của thị trường cũng như chính sách thuế.
Trong năm 2008, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép luôn trong tình thế "bấp bênh", do sự "nóng lạnh" của thị trường cũng như chính sách thuế.
Nhìn nhận cụ thể hoạt động của doanh nghiệp ngành thép trong nước năm qua, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nói:
- Từ tháng 8 đến tháng 10/2008, tiêu thụ thép trong nước giảm đột ngột chỉ còn 1/3 mức tiêu thụ trung bình của các tháng đầu năm, nên phôi thép sản xuất trong nước không tiêu thụ được, thép thành phẩm cũng không có "lối thoát". Một số công ty sau khi xuất khẩu phôi (gần 40 vạn tấn - PV) đã phải dừng lại vì thuế xuất khẩu tăng đột biến lên 10% rồi 20%.
Đến khi Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu phôi thép trở về mức thuế suất là 0% vào tháng 10/2008 thì giá phôi thép trên thế giới đã hạ quá thấp, không còn thời cơ để xuất khẩu nữa. Lượng tồn kho ở các công ty trong những tháng cuối năm 2008 luôn ở mức 500 nghìn tấn nên một số nhà máy sản xuất phôi đã phải ngừng sản xuất từ 2 đến 3 tháng, và mãi tới tháng 11/2008 mới bắt đầu sản xuất trở lại.
Phôi và một số sản phẩm thép tồn kho giá cao đã làm cho nhiều công ty chịu lỗ nặng nề. Giá thép cuộn, thép thanh đang từ mức 20 triệu đồng/tấn đã rơi xuống mức 10 triệu đồng/tấn mà vẫn không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, ngân hàng thắt chặt việc cho vay. Lãi suất vay ngân hàng tăng từ dưới 10% lên 20 - 21%/năm nhưng cũng rất khó vay, do vậy đã có một số công ty phải vay chợ đen với lãi suất cao để có tiền trả nợ.
Do đó, giải pháp duy nhất mà các công ty sản xuất thép áp dụng trong những tháng cuối năm là bán thép và phôi thép với giá rẻ, chấp nhận chịu lỗ để giải phóng hàng tồn kho và có tiền để tiếp tục mua nguyên liệu (thép phế, phôi thép) theo mặt bằng giá mới nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, có tiền trả nợ các công trình xây dựng dở dang.
* Nhưng trong mấy tháng cuối năm 2008, thị trường thép đã có những chuyển biến tích cực. Có phải ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn?
Sau 3 tháng chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm từ tháng 10 đến tháng 12/2008, Chính phủ đã đề ra 5 giải pháp để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế, giải quyết những kiến nghị về vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang có nguy cơ phá sản. Vì vậy, bước đầu đã có sự chuyển biến trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép.
Từ tháng 11/2008, tiêu thụ thép đã tăng trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thì mức tăng đó chưa bền vững, vì chủ yếu thép mới nằm ở trong kho của các công ty thương mại, chưa tới các công trình xây dựng và người sử dụng.
Việc mua thép ồ ạt trong 2 tháng cuối năm cũng có thể để tránh việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10% bắt đầu áp dụng từ 1/1/2009 đối với sản phẩm thép.
* Vậy, ông có dự báo như thế nào cho ngành thép Việt Nam trong năm 2009?
Bước sang năm 2009, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có giảm ở những tháng cuối năm nhưng tính chung cả năm 2008 vẫn ở mức cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 chỉ ở mức 14,6% so với 17,2% của năm 2007.
Mặc dù lãi suất cho vay đã liên tục được điều chỉnh giảm, nhưng vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, đình hoãn trên 3.100 công trình, dự án với số vốn trên 37 nghìn tỷ đồng, nên mức tiêu thụ của nhiều mặt hàng trong đó có thép sụt giảm nhanh chóng và tồn kho ở mức cao.
Không những vậy, do nhu cầu sử dụng thép trên thế giới giảm mạnh, các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu thép lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã tìm mọi cách hỗ trợ xuất khẩu thép giá rẻ sang các nước trong đó có Việt Nam, nên việc bảo vệ sản xuất trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2009, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% và khống chế tăng giá tiêu dùng cả năm dưới 15%. Những cam kết về việc triển khai các dự án đầu tư có thể bị giảm hoặc chậm lại làm cho mức tiêu thụ thép cũng khó tăng cao.
Cũng từ năm 2009, một số mặt hàng trọng yếu như điện, nước sạch, than bắt đầu được điều chỉnh dần theo giá thị trường sẽ tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, trong đó thép sẽ chịu giá điện cao là chắc chắn.
Với những phân tích trên, VSA dự báo về tăng trưởng ngành thép năm 2009 chỉ có thể cố gắng giữ nguyên hoặc tăng không nhiều (từ 2 - 5%) so với năm 2008.
Tức là tổng mức tiêu thụ thép cả nước chỉ ở quanh mức 9 triệu tấn, trong đó sản xuất thép xây dựng các loại sẽ ở mức 4 - 4,5 triệu tấn, nhập khẩu ở mức 5 - 5,5 triệu tấn, lượng thép xuất khẩu ở mức 0,5 triệu tấn. Giá thép sẽ không tăng đột biến, do cung vượt cầu trên phạm vi toàn cầu.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy