Năm 2011, thị trường vật liệu xây dựng sụt giảm, vì vậy, dù công suất các nhà máy sản xuất gạch ốp lát cả nước chỉ đạt bình quân 70%, nhưng lượng tồn kho cũng lên tới khoảng 30 triệu m2.
Hiện tổng công suất thiết kế cả nước vào khoảng 400 triệu m2/năm, nhưng năm 2011, tiêu thụ chỉ khoảng 290 triệu m2 và năm 2012 tình hình tiêu thụ được dự báo sẽ không mấy sáng sủa hơn.
Thị trường gạch ốp lát không chỉ gặp khó bởi thị trường xây dựng trầm lắng, mà còn phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm từ Trung Quốc. Trong khi các công ty sản xuất gạch trong nước phải sản xuất cầm chừng, thậm chí là dừng sản xuất do tiêu thụ khó khăn, thì thị phần của gạch Trung Quốc lại tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2009, kim ngạch nhập khẩu gạch ốp lát từ Trung Quốc là 51 triệu USD, trên tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước là 70 triệu USD, thì năm 2010, con số này tăng lên 76 triệu USD trên 99,5 triệu USD.
Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam (VIBCA) nhận định, với tình hình hiện nay, kim ngạch nhập khẩu gạch ốp lát từ Trung Quốc có thể lên đến 100 triệu USD, chưa kể một khối lượng lớn hàng nhập lậu vẫn tràn lan vào Việt Nam. Một trong những chiêu gian lận được các công ty nhập khẩu sử dụng là thông đồng với nhà sản xuất, xuất trình hóa đơn mua hàng thấp hơn giá trị thực tế từ 50 - 70%. Hiện mức giá của gạch Trung Quốc thấp hơn gạch Việt Nam từ 30.000 - 50.000 đồng/m2 cho phân khúc gạch giá rẻ.
Nhiều doanh nghiệp gạch ốp lát trong nước không còn đủ chỗ trong kho để chứa hàng tồn
Trước tình hình gạch nhập lậu từ Trung Quốc không được kiểm soát, gian lận thương mại chưa được giải quyết, VIBCA đã có văn bản khẩn cấp đề nghị Chính phủ đưa mặt hàng này vào danh mục rủi ro và áp thuế tính trên diện tích, từ 5 - 13 USD/m2 theo từng loại kích thước. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ rất khó thực hiện khi mức thuế nhập khẩu đang áp dụng theo cam kết WTO là 25% và mức thuế sẽ ngày càng giảm theo lộ trình cam kết.
Những khó khăn ở trên khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát trong nước lâm vào tình trạng thua lỗ như CTCP Vitaly, CTCP Viglacera Thăng Long, CTCP Gạch men Thanh Thanh, CTCP Viglacera Hà Nội... Bức tranh thị trường cho thấy, các đơn vị sản xuất gạch ốp lát trong nước đang phải cạnh tranh với đối thủ đáng gờm, với tổng sản lượng chiếm tới 1/3 sản lượng gạch ốp lát cả thế giới, (khoảng 6 tỷ m2 gạch ốp lát các loại) và mẫu mã đa dạng. Ngay cả các thương hiệu lớn của Việt Nam như Prime, Viglacera, Đồng Tâm hay Taisera cũng trầy trật trong cuộc cạnh tranh này.
Để không bị “đè bẹp” trên sân nhà, các doanh nghiệp trong nước đang tìm hướng đi riêng cho mình. Nhiều công ty chú trọng vào xây dựng thương hiệu, chất lượng hàng hóa, phát triển kênh phân phối, cũng như không ngừng cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã… Với nỗ lực đó, một số công ty sản xuất gạch ốp lát trong nước bước đầu đã có được lợi thế, nhất là về thương hiệu và chất lượng, bởi gạch Trung Quốc trong thói quen tiêu thụ của người Việt vẫn là phân khúc hàng giá rẻ. Những cái tên như Prime, Viglacera, Đồng Tâm, Taicera… vẫn được người tiêu dùng tín nhiệm. Tuy nhiên, dù có được lợi thế và xây dựng được thương hiệu tốt đối với người tiêu dùng, nhưng các công ty vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh khi hiệu quả mang lại là không cao.
Trong nhóm các thương hiệu lớn, chỉ có Prime vẫn kinh doanh hiệu quả, còn các công ty khác đa số rơi vào thua lỗ, số có lãi thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt ở mức 1 - 8%, một vài đơn vị đạt mức 8 - 18%.
Trong nhóm doanh nghiệp bậc trung, chỉ có CMC là doanh nghiệp không có hàng tồn kho, lượng tiêu thụ đảm bảo hết công suất thiết kế. Năm 2011, CMC có doanh thu 270 tỷ đồng, lợi nhuận 23,7 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 80 tỷ đồng. Quý I/2012, CMC có doanh thu 62 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 8 tỷ đồng. Cổ tức năm 2011 là 20% và năm 2012 dự kiến 25%.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán