Sản lượng thép xây dựng giảm mạnh khiến các doanh nghiệp trong ngành này đứng ngồi không yên.
Sản lượng thép xây dựng giảm mạnh khiến các doanh nghiệp trong ngành này đứng ngồi không yên.
“Chưa có doanh nghiệp phá sản, nhưng cũng có 5 - 6 doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn”. Đó là thông báo của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tại cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên tổ chức cuối tuần qua.
Nhưng dù “chưa có doanh nghiệp nào lâm vào tình trạng phá sản”, thì VSA và các doanh nghiệp thành viên vẫn cảm thấy bất an đối với cả hoạt động sản xuất lẫn sự tồn tại của mình.
Với thực tế sản lượng thép xây dựng chiếm khoảng 70% sản lượng sản xuất của toàn ngành, việc giảm tới 16% sản lượng thép xây dựng trong nửa đầu năm 2012 được đánh giá là khá nghiêm trọng.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nhận định, tình hình sẽ chưa thể sáng sủa từ nay tới cuối năm, thậm chí, năm 2013 sẽ vẫn còn rất khó khăn. “Kinh tế tăng trưởng thấp, đầu tư mới không nhiều, bất động sản vẫn kém sẽ khiến các doanh nghiệp thép khó tiêu thụ. Hòa Phát đã phải cắt giảm 10 - 15% sản lượng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất”, ông Dương nói.
Ngoài lo sức mua của thị trường trong nước giảm sút, các doanh nghiệp thép còn âu lo về những diễn biến gần đây trên thị trường thép thế giới, đặc biệt là từ ngành thép Trung Quốc.
“Nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới năm 2012 không sáng sủa do khủng hoảng kinh tế diễn ra ở nhiều nước. Còn tại Trung Quốc, gần đây, thị trường bất động sản đã chững lại, khiến sản xuất thép của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo. Do chiếm khoảng 50% sản lượng thép của thế giới, nên việc giảm sút tại thị trường nội địa cũng như tại nhiều thị trường xuất khẩu, chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa công suất tại Trung Quốc. Nếu nước này tính chuyện đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước trong khu vực, thì sản xuất thép tại các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Dương cho hay.
Lo ngại này không phải không có cơ sở, bởi trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp thép nội địa đã bị thép ngoại lấn dần ở các mặt hàng thép cuộn, thép dây. Còn từ đầu năm tới nay, đã có khoảng 200.000 - 300.000 tấn thép có chứa nguyên tố Bo được nhập vào Việt Nam dưới dạng thép dây. Với hàm lượng Bo rất thấp, chỉ 0,008%, nhưng thép chứa Bo cũng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp ở nước sản xuất, dẫn tới giá rất cạnh tranh khi vào thị trường Việt Nam.
Lo ngại của nhiều doanh nghiệp thép nội địa hiện nay là, sau khi áp đảo thép dây sản xuất tại Việt Nam, thép chứa Bo hàm lượng thấp được nhập khẩu sẽ lấn sang để cạnh tranh với thép cây, thép thanh sản xuất trong nước.
“Trước đây, Nhà nước đã điều chỉnh mức thuế, nhưng đến nay vẫn không cản được thép xây dựng của Trung Quốc vào Việt Nam. Không sớm thì muộn, thép thanh Trung Quốc cũng sẽ vào Việt Nam. Nếu không có biện pháp tích cực, thép Việt Nam sẽ nhường sân chơi cho các nhà sản xuất Trung Quốc”, ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Công ty Thép Tây Đô lo ngại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông An Sung Gu, Văn phòng Tập đoàn Posco tại Việt Nam cũng cho hay, trong khi sản phẩm thép sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN bị hàng rào kỹ thuật gây khó khăn, thì Việt Nam lại mở toang cánh cửa với thép nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam cạnh tranh khó khăn.
Trong khi lo chống đỡ với các sản phẩm ngoại nhập, thì các doanh nghiệp thép trong nước cũng tỏ ra bất bình khi các nhà đầu tư thép nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi hơn nhà đầu tư nội địa.
“Rất nhiều ưu đãi được dành cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm thép tại Việt Nam, như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… Nhưng có nhà đầu tư nước ngoài chỉ mang vào Việt Nam một phần vốn, rồi xin được vay vốn ngay tại Việt Nam để thực hiện đầu tư. Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Bởi vậy, VSA cần đại diện để tham gia tư vấn với các cơ quan chức năng theo hướng: ưu đãi dành cho các dự án thép nước ngoài không nên tốt hơn so với các doanh nghiệp trong nước”, ông Dương kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư