Trước đây đã có tới gần 90% doanh nghiệp niêm yết nhảy sang đầu tư tài chính, bất động sản. Nay họ đang dở khóc dở mếu...
Trước đây đã có tới gần 90% doanh nghiệp niêm yết nhảy sang đầu tư tài chính, bất động sản. Nay họ đang dở khóc dở mếu...
Hiện nhiều doanh nghiệp niêm yết đã báo cáo tài chính quý I-2008. Trong đó, lợi nhuận của các công ty đầu tư vào chứng khoán, bất động sản đã giảm rất nhiều so với năm ngoái. Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đầu tư trái nghề vào chứng khoán, bất động sản đã bị “thua đau” trước cơn suy thoái mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, bất động sản quý I-2008.
Mô hình ba chân
Theo thống kê, năm 2007 có tới gần 90% doanh nghiệp niêm yết đã rót vốn vào đầu tư tài chính, bất động sản. Cơ cấu lợi nhuận từ đầu tư tài chính trong thời kỳ cuối năm 2006 đầu năm 2007 chiếm một tỷ lệ lớn ở nhiều doanh nghiệp niêm yết. Nhiều công ty tranh thủ phát hành thêm cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để lấy tiền đổ vào tài chính và bất động sản.
Mùa đại hội cổ đông năm ngoái, doanh nghiệp niêm yết thường ca ngợi công thức lợi nhuận vững chắc được dựa trên mô hình kiềng ba chân, bao gồm ngành nghề chính, đầu tư tài chính và bất động sản. Mô hình này đã được kiểm chứng thông qua hoạt động của một công ty hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh hai năm liên tục. Nhiều công ty khác áp dụng mô hình này đều ăn nên làm ra, giá cổ phiếu cứ tăng liên tục.
Thời điểm ấy, doanh nghiệp nào công bố có dự án bất động sản, dù chỉ mới trên giấy thôi thì cũng đủ sức làm cho giá cổ phiếu của công ty đó tăng vùn vụt. Điển hình, một công ty may mặc xuất khẩu đã hùng hồn tuyên bố rằng từ năm 2008, lợi nhuận từ đầu tư bất động sản sẽ chiếm 50% và đầu tư tài chính 10%. Còn lợi nhuận từ ngành nghề chính là may xuất khẩu sẽ hạ từ 60% của năm 2007 xuống còn 40%. Công ty này đã giải thích cặn kẽ với công chúng lý do là hàng may mặc xuất khẩu đang quá rủi ro bởi tỷ giá VND/USD nên họ chuyển hướng sang bất động sản thì có lợi hơn. Cũng kể từ đó, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng liên tục từ 40.000 đồng lên hơn đến 70.000 đồng/cổ phiếu, mặc cho thị trường đang đi xuống.
Thế nhưng hiện nay, khi thị trường chứng khoán sụt giảm hơn 50%, còn thị trường bất động sản gần như đóng băng thì các khoản đầu tư trái ngành này đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Mô hình lợi nhuận kiềng ba chân trước đây được rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hết lời ca ngợi và học tập nay đang dần phá sản.
Chứng khoán, bất động sản quật đổ doanh nghiệp
Theo báo cáo tài chính quý I-2008, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã lỗ nặng với lợi nhuận trước thuế âm hơn 106,15 tỷ đồng. Giải trình nguyên nhân lỗ, REE cho biết do công ty thực hiện việc trích lập dự phòng tài chính hơn 160 tỷ đồng cho các loại chứng khoán có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán sổ sách thời điểm 31-3. REE cho rằng tại thời điểm 31-3, tổng vốn đầu tư tài chính của công ty là 1.377 tỷ đồng nhưng thị giá vốn khi đó là 1.719 tỷ đồng. Chênh lệch thặng dư vẫn còn là 341 tỷ đồng, đã trừ khoản trích lập dự phòng 160,68 tỷ đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính của Công ty Mía đường Biên Hòa (BHS) cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế quý I-2008 đã giảm 42,24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do giảm được công ty này giải thích là do giá đường có nhiều biến động và lợi nhuận từ hoạt động tài chính quý I-2008 giảm so với quý IV-2007. Trong đó, công ty có trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn...
Không chỉ các công ty trái nghề thua lỗ mà các công ty chuyên đầu tư bất động sản cũng thông báo giảm lợi nhuận. Công ty Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu Hodeco (HDC) thông báo kết quả kinh doanh quý I -2008, lợi nhuận sau thuế giảm 25% so với quý IV-2007.
Việc các công ty niêm yết ồ ạt chuyển sang làm nghề tay trái đã được các chuyên gia và báo chí cảnh báo ngay từ khi thị trường chứng khoán còn sôi động. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, sức hấp dẫn từ lợi nhuận kiếm được ở những ngành tay trái đã khiến các doanh nghiệp này không thể cưỡng lại được. Do vậy, tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I-2008 chính là cái chết đã được báo trước.