Năm 2003, một loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân chính là do sự đầu tư "nóng" vào cán thép dẫn đến thừa công suất...
Năm 2003, một loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân chính là do sự đầu tư "nóng" vào cán thép dẫn đến thừa công suất.
Ngành thép đang phải đối mặt với khủng hoảng thừa |
Mặc dù Chính phủ đã quyết định tạm ngừng đầu tư vào ngành thép xây dựng, nhưng các bộ, ngành và địa phương vẫn "bỏ ngoài tai". Năm 2009, lịch sử đang được lặp lại, mặc cho Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiếp tục cảnh báo về tình trạng đầu tư tràn lan dẫn đến thừa công suất chế biến thép...
Đối mặt với khủng hoảng thừa
Theo VSA, chỉ riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hàng chục DN lớn đang sản xuất phôi thép và cán thép với công suất hơn 2,6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, các DN trong, ngoài nước vẫn đang tích cực triển khai một loạt các dự án thép khác tại địa phương này với tổng công suất lên đến 5 triệu tấn/năm và đáng chú ý là dự án cán thép công suất 2 triệu tấn/năm của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tiếp quản lại dự án của ESSA, dự án cán thép 1,2 triệu tấn của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đi vào sản xuất trong năm 2009. Theo kế hoạch, năm 2010 và giai đoạn 2010-2015, công suất cán thép của toàn ngành sẽ được bổ sung thêm 2,2 triệu tấn, nâng tổng công suất hiện có lên hơn 7 triệu tấn thép xây dựng. So với mức tiêu thụ thép xây dựng khoảng 4 triệu tấn, sẽ dẫn đến tình trạng thừa thép.
VSA cho biết, mặc dù các nhà đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam đều cam kết sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước, nhưng thực tế việc xuất khẩu thép không dễ, bởi các cường quốc về sản phẩm này cũng đang "bí" đầu ra. Ông Lakshmi Mittal, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn ArcelorMittal nhận định, năm 2010 thị trường thép châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trung Quốc và các nước đang phát triển hiện chiếm gần 80% thị phần thép thế giới. Năm 2009, VNS có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 55 triệu USD từ thép (khá nhất trong VSA), nhưng ngay cả ở thị trường lớn nhất của VNS là Cam-pu-chia, thép của VNS xuất sang phải chấp nhận bán với giá "hòa" để giữ thị phần. Còn việc xuất khẩu thép cán nguội sang Hoa Kỳ đã thực hiện từ 2 năm trước, nhưng vẫn chỉ là thăm dò.
Sức ép cạnh tranh trên "sân nhà"
Với tình trạng dư thừa công suất nêu trên, ngoài hậu quả lãng phí tiền đầu tư, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng khác như thiếu điện, giao thông vận tải không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường nước, không khí..., bởi các dự án thép từ trước tới nay thường được đầu tư lẻ, công nghệ hoặc lạc hậu, hoặc không đồng bộ. Đặc biệt, khi cung vượt cầu, xuất khẩu thép lại gặp khó khăn, sức ép cạnh tranh khốc liệt sẽ đè nặng lên ngành thép trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài có sự hỗ trợ chuyển giá (mang nguyên liệu sang Việt Nam) từ công ty mẹ ở nước ngoài trong khi các DN Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, khi dư thừa công suất, DN Việt Nam sẽ có nguy cơ phá sản.
VSA đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự không nhất trí với quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025. Trong bản kiến nghị này, VSA đã đề nghị Chính phủ sớm đình chỉ các dự án nhà máy thép đang xây dựng hoặc sắp xây dựng mà không có sự bảo đảm nguyên liệu để có thể hoạt động lâu dài. Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch vùng để có hướng đầu tư rõ ràng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng thời sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở Việt Nam để bảo đảm ngành thép có thể phát triển bền vững.
Từ năm 2010, ngành thép sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên "sân nhà". Trong khi đó, ngành thép sẽ không còn được hưởng các ưu đãi cao về chính sách thuế do thực hiện các cam kết hội nhập WTO. Bên cạnh đó, nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất trong năm 2010 sẽ tăng thêm sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường, dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại… Đặc biệt, sản phẩm thép Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh về giá bán do chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với thế giới, trong khi năm 2010 được dự báo là năm mà giá cả nguyên nhiên liệu "đầu vào" sẽ tiếp tục tăng.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới