Cứu ngành xi măng thông qua M&A

Cập nhật 27/04/2013 07:59

Ngành công nghiệp sản xuất xi măng nước ta ngày càng bộc lộ điểm yếu: Thừa cung, kinh doanh thua lỗ, hiệu quả đầu tư thấp... Do đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành công nghiệp này có thể coi như liều “dopping” hạng nặng. Ngành xi măng đang ở tình trạng cung vượt cầu

Ngành công nghiệp sản xuất xi măng nước ta ngày càng bộc lộ điểm yếu: Thừa cung, kinh doanh thua lỗ, hiệu quả đầu tư thấp... Do đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành công nghiệp này có thể coi như liều “dopping” hạng nặng.

Ngành xi măng đang ở tình trạng cung vượt cầu

Công suất ngành xi măng đang dư thừa khoảng 20 triệu tấn. Đa phần doanh nghiệp (DN) trong ngành rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, kể cả một số DN trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), nguyên nhân của tình trạng trên là do cung vượt xa cầu, dẫn đến sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm. Việc vay nợ nhiều, trong đó có vay ngoại tệ dẫn đến chi phí tài chính tăng lên, cộng với lãi suất cao, biến động tỷ giá lớn trong các năm gần đây cũng giáng thêm “đòn chí tử” vào DN. Bên cạnh đó, năng lực quản trị kinh doanh kém, nhất là khối DN nhà nước (tỷ trọng vốn nhà nước chiếm đa phần trong ngành công nghiệp xi măng) cũng là nguyên nhân không nhỏ. Cùng quan điểm, theo ông Đỗ Đức Oanh - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, chỉ khoảng 50% DN xi măng có thể trụ được; 30% DN khó khăn; 20% DN hết sức khó khăn và có nguy cơ phá sản. Đối phó với tình hình trên, các DN sản xuất xi măng buộc phải tái cơ cấu nếu không muốn bị xóa sổ.

Tuy nhiên, phần lớn DN xi măng trong nước không đủ lực để tái cơ cấu hoặc hỗ trợ các DN khác, nên cứu cánh chính là đối tác nước ngoài. Theo thống kê của VAFI, 3 năm trở lại đây, đã và đang có khoảng 10 thương vụ mua bán, sáp nhập DN (M&A) trong ngành xi măng. Cụ thể: Tập đoàn xi măng Semen Gresik (Indonesia) đã chi hơn 4.800 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Xi măng Thăng Long. Sắp tới, khi phải gánh nợ gần 2.400 tỷ đồng từ Xi măng Cẩm Phả, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đang tính bán 70% cổ phần tại nhà máy này cho đối tác nước ngoài. Một lãnh đạo của Vinaconex cho hay, hiện đã có 2 tập đoàn xi măng nước ngoài quan tâm và gửi thư đề xuất hợp tác tái cấu trúc vốn Xi măng Cẩm Phả.

Nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành xi măng sẽ giúp xử lý hàng tỷ USD nợ xấu, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất xi măng mà còn ở các mảng kinh doanh khác của chủ đầu tư trong nước.
 

Với nguồn vốn như vậy, cơ bản DN có thể cơ cấu được tình trạng tài chính, thoát khỏi gánh nặng nợ nần. Ngoài ra, trình độ quản trị DN được tăng cường hay thu hút được nhà đầu tư FDI cũng đồng nghĩa với việc mở thêm được thị trường cho xuất khẩu xi măng, giảm bớt tình trạng cạnh tranh gay gắt đối với thị trường trong nước. Về giá, do nhà đầu tư FDI có hệ thống phân phối ở nước ngoài nên giá bán xi măng xuất khẩu từ họ sẽ cao hơn và dễ dàng tiêu thụ hơn so với DN trong nước khi thực hiện xuất khẩu. Việc xuất khẩu qua kênh FDI của DN FDI ít bị kiện chống phá giá hơn so với DN trong nước.

Từ nay đến hết năm 2013, VAFI đã đưa ra một số khuyến nghị đối với ngành xi măng trong việc thu hút FDI. Về phía VICEM, cần nỗ lực tái cơ cấu tài chính tại các đơn vị thành viên và đẩy mạnh cổ phần hóa. Tại các đơn vị gặp khó khăn về tài chính, không nên duy trì quan điểm VICEM phải nắm cổ phần chi phối mà mục tiêu ưu tiên là phải cứu DN, đồng nghĩa sẽ cứu được ngành xi măng thông qua M&A với FDI.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư  ký VAFI - khẳng định: Nhà nước cần có chính sách không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm dễ dàng thu hút FDI. Cụ thể, với các DN xi măng đang niêm yết, muốn nhanh chóng được tái cấu trúc tài chính, mở rộng thị trường xuất khẩu và tất nhiên là lãi tăng lên thì nên xúc tiến thu hút FDI đầu tư vào DN, có thể bằng cách bán cổ phần đa số hoặc chi phối. Trong trường hợp vướng room thì nên tự nguyện hủy niêm yết để thực hiện. Điều này, chỉ có lợi cho cổ đông và cho nền kinh tế.


DiaOcOnline.vn - Theo Công thương