Cuộc chiến ceramic: “Kịch bản” cũ tái diễn

Cập nhật 16/10/2008 11:00

Do các hoạt động xây dựng trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ quy mô toàn cầu nên thị trường VLXD bị đình trệ.

Do các hoạt động xây dựng trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ quy mô toàn cầu nên thị trường VLXD bị đình trệ.

Với mặt hàng gạch ốp lát ceramic, sức mua chỉ còn khoảng trên 50%. Nhiều nhà máy phải tạm ngừng 1 - 2 dây chuyền, một số khác tích cực chuẩn bị chuyển đổi sang sản xuất gạch granit để duy trì hoạt động và hạn chế tối đa thiệt hại trong “trận tử chiến ceramic” đang bắt đầu khai hỏa.

Dừng dây chuyền + gia tăng khuyến mại

Dường như “kịch bản” dừng dây chuyền + gia tăng khuyến mại của mùa xây dựng được coi là khốc liệt nhất trong những năm gần đây (2004 - 2005) lại tái diễn nhưng ở mức độ nặng nề hơn.

Thời điểm đó cả nước tồn kho khoảng 3,6 triệu m2 gạch ceramic, đó là chưa kể tới rất nhiều nhà máy phải ngừng lò một thời gian dài vì hàng làm ra bị ế đọng. Cũng trong đợt đó, các DN đua nhau thực thi các chương trình khuyến mại, tăng chiết khấu, tặng quà, đua nhau hạ giá bán buôn…

Thực chất của các chiêu khuyến mại chỉ tóm gọn trong mấy chữ: “Hạ giá để mua đại lý và hy vọng níu kéo dòng chảy tiền - hàng”, mà rốt cuộc sau đó ngồi tính lại, chính các DN cũng nhận thấy không hạ cũng chết mà hạ cũng chết!

Năm nay, “kịch bản” này dường như bắt đầu lặp lại. Ghi nhận từ một số đại lý lớn cho hay, ngay cả những thương hiệu vừa bắt đầu tạo được ấn tượng rất mạnh với người tiêu dùng qua một số show quảng cáo rầm rộ thì nay cũng “giảm nhiệt” bởi đại lý của họ chỉ có thể tiêu thụ được 60% lượng hàng so với từ đầu năm đến giờ, cùng với đó áp dụng khuyến mại rất mạnh: Mua 7 tặng 1.

Một DN khác tồn kho đến 30/9 ước tính vào khoảng 1,6 triệu m2 nên quyết định mạnh tay khuyến mại tới 5% doanh số bán hàng trong tháng với hy vọng kéo được vốn về đồng nào tốt chừng đó. Có DN vừa tung ra chiêu khuyến mại “10 thùng tặng 1” thì chỉ chưa đầy nửa tháng sau tiếp tục đợt khuyến mại “10 thùng tặng 2” để cạnh tranh.

Cá biệt có DN ở miền Trung còn khuyến mãi tới 25% cho tất cả các loại sản phẩm tại thị trường Hà Nội nhưng sau đó tới cuối tháng 9 cũng phải dừng sản xuất 1 dây chuyền. Tại thị trường miền Nam, nhiều DN có thương hiệu tốt cũng phải dừng 1 - 2 dây chuyền. Điều đó cho thấy một sự thực là sức ép do giảm sút sức mua gạch ceramic quả đáng báo động và không một nhà sản xuất nào có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nó.

Có phải DN hết lối thoát?

Nhiều năm trước Bộ Xây dựng và Hiệp hội Gốm sứ xây dựng đã liên tục đưa ra cảnh báo nguy cơ mất cân đối cung - cầu mặt hàng ceramic, bởi năng lực sản xuất tăng quá nhanh (170 triệu m2/năm) trong khi tổng cầu chỉ vào khoảng 130 triệu m2/năm.

Cái vòng luẩn quẩn: Sản xuất nhiều + kết hợp các chiêu kích cầu tuy mang lại lợi ích nhãn tiền là vớt vát tức thì chút vốn liếng, nhưng càng dấn sâu thì DN càng “ăn dần” vào vốn trong khi sức chịu đựng chỉ có giới hạn. Kết cục, rất nhiều DN phải dừng sản xuất khi thực thi mùa khuyến mại 2004 - 2005 và ngay thời điểm bắt đầu mùa xây dựng 2008 cho thấy, cuộc chiến ceramic diễn ra càng “nặng ký” thì hồi kết càng khốc liệt và DN phải chịu đựng toàn bộ những chính sách do chính mình tạo ra.

Nhưng có phải DN ceramic không còn lối thoát nào khác? Điểm dừng trong cuộc cạnh tranh giá bán là điều các DN cần phải đồng lòng thực hiện, cùng với đó là đưa ra những giải pháp đồng bộ hơn để giảm thiệt hại do “bão tài chính” gây ra ở mức thấp nhất.

Đó có thể là những giải pháp như tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao - giá bán tốt để cạnh tranh lành mạnh; thiết kế những chính sách bán hàng linh động nhưng dứt khoát không phải là cạnh tranh giảm giá vô tội vạ; tìm mô hình kinh doanh hợp lý gắn chặt quyền lợi chính đáng của các đại lý vào sự thành bại của DN để có thể tìm được sự chia sẻ trước các thời điểm nhạy cảm của thị trường.

Đây là sự chia sẻ tận tâm trên cơ sở những quyền lợi chính đáng chứ nhất thiết không phải là cuộc đua tranh bằng bất cứ giá nào!

Giảm giá qua khuyến mại là việc chẳng DN nào muốn. Xác định rõ cung đã vượt cầu thì tình trạng khó khăn không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. VIGLACERA ý thức rất rõ điều đó nên rất mạnh tay xúc tiến hoạt động xuất khẩu.

Mặc dù vậy, tỷ trọng xuất khẩu cũng mới đạt xấp xỉ 20% công suất. Trong khi đó năng lực sản xuất của các nhà máy không ngừng tăng lên, buộc chúng tôi phải nghĩ đến rất nhiều bài toán khác, đặc biệt là những biện pháp cải tiến công nghệ có tính chất đột phá nhằm hạ giá thành ở mức… rất cao và cũng rất bất ngờ. Tôi tin đó sẽ là chìa khoá để VIGLACERA tự tin và mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh trên thị trường gạch ốp lát.

(Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó TGĐ VIGLACERA)


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng