Công nghiệp sản xuất xi măng: Vừa thiếu vừa thừa

Cập nhật 03/07/2008 13:00

Trong khi thị trường phía Nam đang khan hiếm xi măng, buộc các doanh nghiệp phía Bắc phải vận chuyển vào “cấp cứu” thì Bộ Xây dựng có văn bản...

Trong khi thị trường phía Nam đang khan hiếm xi măng, buộc các doanh nghiệp phía Bắc phải vận chuyển vào “cấp cứu” thì Bộ Xây dựng có văn bản gửi một số địa phương yêu cầu dừng phê duyệt đầu tư xây dựng nhà máy xi măng. Theo Bộ Xây dựng, với các dự án đang và sẽ triển khai, đến năm 2010 có thể sẽ thừa xi măng.

Năm 2010, cung hơn cầu 4,7 triệu tấn

Theo Công văn 1054/BXD-VLXD do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký gửi UBND 14 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế trở ra, thì trước tình hình đầu tư dự án xi măng như hiện nay, Bộ đề nghị UBND các tỉnh không đăng ký đầu tư thêm các dự án xi măng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, nhằm phát huy hết công suất thiết kế và nâng cao tính hiệu quả các dự án xi măng đang triển khai.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng để trình Thủ tướng Chính phủ cho ngừng hoặc giãn tiến độ đầu tư một số dự án đang gặp khó khăn về thu xếp tài chính, giải phóng mặt bằng.

Căn cứ tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ xi măng, 3 năm qua, Bộ Xây dựng đã xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch 15 dự án xi măng, với tổng công suất 26,2 triệu tấn/năm, đồng thời có văn bản thỏa thuận đầu tư 20 dự án xi măng nhóm B và chuyển đổi công nghệ lò đứng sang lò quay với tổng công suất 13,89 triệu tấn/năm.

Hiện nay, theo tiến độ triển khai đầu tư, năm 2008 sẽ có 11 dự án với công suất thiết kế 12,28 triệu tấn/năm vào sản xuất; năm 2009 có thêm 17 dự án, công suất 19,43 triệu tấn/năm; năm 2010 sẽ hoàn thành thêm 18 dự án với công suất 13,96 triệu tấn/năm. Như vậy, năm 2009 khả năng sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, mà không phải nhập khẩu clinke. Và năm 2010, nguồn cung trong nước sẽ cao hơn nhu cầu 4,7 triệu tấn; năm 2015 có thể thừa 17,6 triệu tấn.

Trao đổi với chúng tôi về dự báo khả năng thừa xi măng, ông Trần Quang Tuấn, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam cho biết, thực ra tại thời điểm này cũng đã có tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, chỗ thừa, chỗ thiếu xi măng. Bởi, ngay việc đầu tư sản xuất xi măng cũng không đồng đều, tập trung nhiều ở phía Bắc.

Ví dụ rõ nhất là vừa qua, trong khi thị trường phía Bắc tương đối ổn định thì thị trường phía Nam thiếu cục bộ, các nhà máy phải vận chuyển xi măng từ phía Bắc vào ứng cứu. Riêng Tổng Công ty Công nghiệp xi măng chuyển vào thị trường này khoảng 70.000 tấn các loại. Do đó, việc dự báo cung-cầu của thị trường để chủ động, kịp thời có giải pháp điều tiết là hết sức quan trọng. Trước đây cũng đã có lúc dự báo thừa xi măng do nhiều địa phương ồ ạt đầu tư cho xi măng.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng thừa không xảy ra và đến giờ doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu clinke về sản xuất. “Nếu có được dự báo chính xác và có giải pháp đối phó kịp thời, chắc sẽ không thể có tình trạng dư thừa” - ông Tuấn khẳng định. Như vậy, giải pháp hiện nay là ngoài việc tìm thị trường xuất khẩu, cần tìm nguồn tiêu thụ ngay trong nước, chẳng hạn phát triển gạch xi măng thay cho đào đất nung gạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, công tác dự báo thị trường rất quan trọng. Việc thị trường phía Nam thiếu xi măng đã được dự báo trước nhưng không chính xác, dẫn đến “sốt” cục bộ. Dự báo của Bộ căn cứ trên nhu cầu tiêu thụ và số lượng dự án triển khai. Tuy nhiên, vài dự án trong số đó chậm tiến độ, hoặc nhu cầu tăng đột biến thì dự báo cũng phải có thay đổi kịp thời.

Nắm giữ 40% thị phần trong nước, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam hiện đang triển khai 5 dự án xi măng lớn (nhóm A), với tổng công suất là 6,4 triệu tấn/năm. Mặc dù có dự báo thừa xi măng vào 2010, song các dự án của Tổng Công ty vẫn được triển khai đúng tiến độ và Tổng Công ty cũng không có sự điều chỉnh nào về công suất.

Cụ thể, dây chuyển II Xi măng Bỉm Sơn có công suất 1,4 triệu tấn/năm sẽ vận hành cuối năm nay, nâng công suất nhà máy lên 3,2 triệu tấn. Xi măng Bút Sơn 2, công suất 1,4 triệu tấn/năm cũng sẽ chạy máy nghiền vào tháng 11-2008 và chạy lò vào năm 2009. Dây chuyền 3, Xi măng Hoàng Thạch, với công suất 1,1 triệu tấn/năm, đã thực hiện 74% khối lượng. Xi măng Hà Tiên II, công suất 1,4 triệu tấn/năm thực hiện được hơn 90% khối lượng đầu tư. Xi măng Bình Phước, công suất 2,1 triệu tấn/năm dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2009. Như vậy đến năm 2010, Tổng Công ty có công suất khoảng 19 triệu tấn.


Theo Hà Nội Mới