Còn thiếu hành lang pháp lý an toàn

Cập nhật 10/12/2009 15:20

Bộ Xây dựng vừa phối hợp với Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (Vieglass) và TCty Viglacera tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kính an toàn và tiết kiệm năng lượng - Hoàn thiện hệ thống quy phạm và định hướng phát triển”...

Bộ Xây dựng vừa phối hợp với Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (Vieglass) và TCty Viglacera tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kính an toàn và tiết kiệm năng lượng - Hoàn thiện hệ thống quy phạm và định hướng phát triển”, do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam chủ trì với sự tham gia đông đảo của các cơ quan: Bộ Công Thương; TN&MT, các viện nghiên cứu, các Cty tư vấn, thiết kế, thi công và đặc biệt có sự tham gia của các diễn giả nước ngoài đến từ Tập đoàn NSG (Nhật Bản), Von Ardene (Đức), PSB (Singapore); các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước.

Những tiêu chuẩn của kính xây dựng cần đưa lên thành quy chuẩn xây dựng của Việt Nam.


Mục tiêu chính của hội thảo là nhằm xác định những tiêu chuẩn của kính xây dựng cần đưa lên thành quy chuẩn xây dựng của Việt Nam và dự kiến danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn cần biên soạn mới; mở hướng mới cho ngành kính xây dựng - phát triển kính năng lượng.

Gian nan áp dụng quy chuẩn kính

Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Giám định 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - cho biết, tại nhiều công trình, nói là kính an toàn nhưng rất dễ vỡ, nứt. Thế nhưng chủ công trình cũng khó thay thế do mỗi loại kính thường chỉ sản xuất theo từng lô. Nếu có tìm được đúng loại kính cũng không tháo ra để thay được vì không có tiêu chuẩn thi công.

Còn ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow thì cho biết các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực kính hiện chưa đầy đủ và rõ ràng nên việc áp dụng kính trong công trình phụ thuộc vào quyết định của chủ đầu tư. Thiết kế làm theo yêu cầu của chủ đầu tư còn giám sát thi công làm theo yêu cầu của thiết kế, điều đó dường như được ấn định nên chất lượng công trình về phần kính có đảm bảo hay không cũng không có cơ quan nào quản lý.

Ông Trần Hữu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận rằng, thời gian qua mặc dù đã ban hành một số quy chuẩn liên quan tới sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn còn thiếu những quy định cụ thể, đặc biệt là quy định về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, thiết kế lắp đặt và thử nghiệm. Để khắc phục tình trạng này, ông Hà cho biết, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch triển khai các hoạt động như: Soát xét, bổ sung chỉnh sửa các nội dung của Quy chuẩn XDVN; Xây dựng và ban hành các tiểu chuẩn về kính như tiêu chuẩn về kính xây dựng...

hát triển kính năng lượng sản xuất năng lượng sạch

Đây là hướng rất mới cho ngành công nghiệp sản xuất kính trong nước vì đây là những sản phẩm đặc thù cần đầu tư sâu vào khâu nghiên cứu, phát triển để xây dựng định hướng phát triển cho tương lai.

Ông Từ Trung Chấn, Phòng thí nghiệm Nano, ĐHQG TP.HCM cho rằng việc sản xuất kính năng lượng tại Việt Nam bằng công nghệ màng mỏng là rất khả thi do công nghệ này hiện nay cũng tương đối phổ biến trên thế giới nên rất nhiều đối tác nước ngoài có thể hỗ trợ chúng ta trong lĩnh vực này.

Ông Trịnh Quang Dũng, Viện Vật lý TP.HCM thì đánh giá rằng Việt Nam là quốc gia có tiềm năng đáng kể về năng lượng mặt trời với số lượng giờ nắng ở các tỉnh phía Bắc lên tới 2.100 giờ/năm, còn ở phía Nam lên tới 2.600 giờ/năm. Một số dự án điện mặt trời đã được thí điểm tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tuy nhiên để lĩnh vực này phát triển, cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước về cơ chế ưu tiên phát triển.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương) cho biết, Nhà nước đang rất chú trọng tới lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng mới và hiện đang xây dựng những hành lang cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư trong lĩnh vực này. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế tiết kiệm năng lượng, góp phần ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu cấp bách hiện nay.

Nhà nước phải giữ vai trò định hướng!

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam “điểm xuyến” về những câu chuyện phát triển năng lượng sạch, vật liệu sạch tại các đô thị sạch trên thế giới. Ông hóm hỉnh đúc rút một nhận xét: “Tại bất cứ nơi đâu trên thế giới, thông thường DN thấy làm gì có lợi thì làm. Quan trọng là chính quyền phải đưa ra được định hướng dẫn dắt, quản lý có tầm chiến lược, nhất định các DN kính sẽ linh động bám sát chủ trương đó”.

Quả thực, việc thúc đẩy nhanh việc sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng, cũng như nhiệm vụ phát triển kính năng lượng để sản xuất năng lượng sạch có thể thấy là nhiệm vụ cấp bách, trước hết cần sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó mở đường phát triển cho DN.

Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng những hành lang pháp lý, những quy định cụ thể nhằm định hướng cho DN cũng như hỗ trợ DN trong quá trình triển khai bởi đây là những lĩnh vực khó, nhạy cảm. Xin khơi lại một thực tế đáng buồn để suy ngẫm, mới đây khi Thông tư 11 về Quy chuẩn kính an toàn được ban hành, đã vấp phải sự phản hồi từ các nhà nhập khẩu kính, đặc biệt với sản phẩm kính nhập từ Trung Quốc.

Nói vậy để thấy, trong khi các nước tiên tiến từ lâu đã coi kính xây dựng như một mặt hàng cao cấp cần quản lý nghiêm túc thì tại nước ta, đôi khi những quyền lợi từ một nhóm cộng đồng kinh doanh bé nhỏ lại là một lực cản lớn để thực hiện một chủ trương lớn của Chính phủ về xây dựng và phát triển bền vững. Cho nên nói, cần một “bàn tay sắt”, một thái độ cương quyết với những chính sách điều tiết hợp lý để rộng đường giúp nền sản xuất kính đi lên là điều không cần phải bàn cãi trong bối cảnh hiện nay.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng