Cổ phiếu thép có “ăn theo” sóng ngành?

Cập nhật 08/04/2010 15:20

Giá thép trong nước đã tăng trên 10% so với tháng 3. Trên TTCK, hầu hết cổ phiếu ngành thép cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Vậy giá thép tăng có thực sự mang lại lợi nhuận đột biến cho các DN ngành này?

Giá thép trong nước đã tăng trên 10% so với tháng 3. Trên TTCK, hầu hết cổ phiếu ngành thép cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Vậy giá thép tăng có thực sự mang lại lợi nhuận đột biến cho các DN ngành này?

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Giá thép thành phẩm trong thời gian qua tăng khá cao. Điều này có nguyên nhân từ việc tăng giá điện, giá than, chênh lệch tỷ giá, lãi suất ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do giá quặng sắt, thép phế trên thế giới tăng đến 100 USD/tấn khiến các DN phải nhập khẩu thép nguyên liệu với giá cao. Việc tăng giá thép diễn ra tại nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Dự báo giá thép thành phẩm trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, do kinh tế thế giới đang dần hồi phục. Hiện các DN phải nhập thép nguyên liệu theo từng quý, vì các đối tác nước ngoài không muốn ký hợp đồng dài hạn do lo ngại giá thép sẽ tăng tiếp. Do đó, DN vừa ký hợp đồng mua phôi sản xuất theo giá mới đã áp dụng ngay giá phôi đó để tính giá thép bán ra hiện nay là điều thực tế, vì DN luôn phải sản xuất đuổi, vẫn phải mua nguyên liệu mới phục vụ sản xuất.

Chính vì các nguyên nhân trên, tôi cho rằng, các DN tăng giá thép nhưng không được hưởng lợi nhiều do chi phí sản xuất tăng theo.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC

Năm 2010, SMC đặt mục tiêu sản lượng thép các loại đạt 500.000 tấn, tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ phấn đấu vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Hiện nay, SMC tồn kho khoảng 50.000 tấn thép với mức chênh lệch giá vốn và giá thị trường là 80 tỷ đồng. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao Công ty dự tính được giá thép tăng mà không tăng lượng hàng tồn kho, nhưng thực tế là tồn kho số lượng lớn không phải dễ. Nó liên quan đến vốn, điều kiện kho bãi. Ở SMC, chúng tôi luân chuyển hàng hóa liên tục, đảm bảo phục vụ khách hàng, tăng lượng hàng mua vào để gia tăng lợi nhuận.

Nhìn chung, với điều kiện giá thép trong xu hướng tăng do ảnh hưởng của giá quặng giá nhiên liệu thế giới tăng, thì các DN nhập thép các loại lãi lớn. Các DN sản xuất thường có kế hoạch đảm bảo tính ổn định, nên không lướt sóng mạnh như các DN làm thương mại.

Nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý là giá thép còn phụ thuộc vào quy luật cung - cầu. Giá tăng cao quá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Trong điều kiện hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng phục hồi chưa chắc chắn, vì thế không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra, giá thép còn tiếp tục tăng hay sẽ đảo chiều trong ngắn hạn.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen

Cao điểm lợi nhuận của Hoa Sen dồn vào 6 tháng cuối năm tài chính. Theo kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm, tháng 4 Hoa Sen lãi sau thuế 50 tỷ đồng, tháng 5 là 49 tỷ đồng, tháng 6 là 47 tỷ đồng, tháng 7 là 46 tỷ đồng, tháng 8 là 45 tỷ đồng và tháng 9 là 43 tỷ đồng.

Trên thực tế, Hoa Sen lời nhiều hơn thế, nhưng Công ty đang trong giai đoạn đầu tư cho hệ thống bán lẻ, đầu tư dự án. Nhà máy Tôn Hoa Sen - Phú Mỹ đã đi vào sản xuất. Hoa Sen sẽ đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, vì sản phẩm của Nhà máy Phú Mỹ có nhiều lợi thế như sử dụng điện 110 kw giá rẻ, nằm cạnh cảng biển với chi phí vận chuyển gần như bằng không, xuất khẩu thu USD mang lại lợi thế cho DN… Nhà máy mới Phú Mỹ cũng giúp Hoa Sen tăng thị phần ở thị trường miền Bắc. Hiện nay, Hoa Sen tồn 218.000 tấn thép cán nguội với giá vốn 640 USD/tấn, tương đương 580.000 tấn thép cán nóng, so với giá hiện tại là 800 USD/tấn.

Đến thời điểm này, tôi khẳng định, kế hoạch lợi nhuận sau thuế 520 tỷ đồng là khả thi. Nếu trong điều kiện thuận lợi thì Hoa Sen sẽ hoàn thành vượt kế hoạch đã đề ra.

Ông Lê Phan Đức, Phó Tổng giám đốc CTCP Ống thép Việt Đức (VGS)

Trên thế giới, các mặt hàng như quặng, than cốc, dầu…, nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất thép hiện đều tăng khá cao. Hiện nguồn thép nguyên liệu của Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, nên các DN sản xuất trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.

Có thể nói, giá thép tăng hiện nay là do các yếu tố khách quan. Việc nguyên liệu đầu vào sản xuất thép tăng khiến các DN phải tăng giá thành phẩm. Vì thế, giá thép tăng chưa hẳn các DN sản xuất thép đã được hưởng lợi. Chỉ những DN có hàng nguyên liệu tồn kho lớn nhập khẩu trước đây với giá rẻ, nay mới được hưởng lợi. VGS hiện vận hành 4 nhà máy sản xuất 4 sản phẩm chính: ống thép; bulong, ốc vít; thép cán nóng và thép xây dựng. Trong đợt tăng vốn cuối năm 2009, VGS đã có nguồn tài chính đáng kể nhập nguyên liệu. Hiện chúng tôi còn khoảng 60.000 tấn nguyên liệu tồn kho phục vụ cho 4 nhà máy trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư