Trước thực trạng có nhiều doanh nghiệp (DN) thép đang xuất “ngược” phôi thép, ngày 12-6, Bộ Công thương đã có cuộc họp về các biện pháp hạn...
Trước thực trạng có nhiều doanh nghiệp (DN) thép đang xuất “ngược” phôi thép, ngày 12-6, Bộ Công thương đã có cuộc họp về các biện pháp hạn chế xuất khẩu (XK) phôi và các sản phẩm thép. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, các biện pháp hạn chế đưa ra trong thời điểm này phải đảm bảo 2 mục tiêu: không thiếu thép trong nước và không để các DN thép lâm vào tình thế quá khó khăn.
“Nếu các DN chỉ XK số lượng nhỏ để trả lương công nhân, trả tiền điện… thì không có vấn đề gì nhưng nếu nhiều DN cùng XK tạo thành trào lưu thì sẽ gây thiếu thép trong nước. Nhưng quan trọng là đến nay, Bộ cũng chưa nắm được số liệu cụ thể về lượng phôi thép, thép phế liệu đã xuất “ngược”. Vì thế, Bộ Công thương chưa có quyết định cấm xuất khẩu phôi thép” - Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 5, lượng phôi thép xuất khẩu không đáng kể, chỉ trên dưới 10.000 tấn. Tuy nhiên, vừa qua một số công ty như Thép Đình Vũ, Gang thép Vạn Lợi và Thép Hưng Yên... vẫn tiếp tục ký hợp đồng XK gần 60.000 tấn phôi thép trong tháng 6.
Số phôi thép trên được XK chủ yếu sang Thái lan, Malaysia và Philippines. Giá XK phôi thép của Việt Nam ở mức khoảng 860 USD/tấn, cộng các chi phí thì giá phôi chỉ ở mức 900 USD/tấn, rẻ hơn so với phôi thép của Trung Quốc khoảng 30 - 50 USD/tấn.
Bên cạnh đó, thép phế liệu cũng bắt đầu có hiện tượng xuất “ngược”. Lý do là giá bán thép trong nước đang giảm, tiêu thụ chậm nên các DN Việt Nam trả giá rất thấp, chỉ khoảng 475 - 500 USD/tấn, trong khi đó xuất sang Thái Lan giá là 600 USD/tấn, trừ các chi phí thì lợi nhuận vẫn còn khoảng 50 USD/tấn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng