Hiện nay, hàng loạt công trình xây dựng bước vào giai đoạn nước rút nhằm hoàn thành sớm để đón Tết Nguyên đán. Dù vậy, khác hẳn các năm trước, năm nay nguồn cung vật liệu xây dựng (VLXD) khá dồi dào nên giá cũng ít biến động.
Hiện nay, hàng loạt công trình xây dựng bước vào giai đoạn nước rút nhằm hoàn thành sớm để đón Tết Nguyên đán. Dù vậy, khác hẳn các năm trước, năm nay nguồn cung vật liệu xây dựng (VLXD) khá dồi dào nên giá cũng ít biến động.
Cuối năm thị trường thép sôi động. Ảnh: Đức Trí |
Cung - cầu gặp nhau
Trong những ngày qua, ghi nhận tại hầu hết các cửa hàng VLXD trên địa bàn TPHCM luôn tấp nập khách hàng. Theo các chủ cửa hàng VLXD tại khu chuyên bán hàng nội thất khu vực Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, quận 10 hay trên đường Trần Não quận 2, TPHCM, từ đầu tháng 12, lượng khách đến mua sắm tại cửa hàng tăng đột biến. Do nhu cầu tăng vọt nên nhiều cửa hàng phải treo bảng tuyển thêm nhân viên bán hàng và vận chuyển.
Chị Phan Thị Nhàn, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gỗ và nội thất Thanh Thanh trên đường Trường Chinh, quận 12 cho biết, từ đầu quý 4 lượng khách đặt mua hàng đã tăng gần 50%, bằng cả 3 quý đầu năm cộng lại, trong đó nhiều nhất là mặt hàng gạch ốp tường, gạch lát sàn nhà, bồn cầu, bồn tắm, thiết bị nhà bếp...
Tương tự, tại những cửa hàng, đại lý kinh doanh sắt thép, gạch, đá, xi măng… các nhân viên bốc vác và xe tải liên tục hoạt động từ sáng sớm đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau. Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phương Nguyễn Thanh Hùng, chuyên cung cấp thép trên đường Lũy Bán Bích quận Tân Phú cho hay, nhu cầu thép trong hơn một tháng qua tại khu vực này và các vùng lân cận tăng đáng kể. Bình quân mỗi ngày doanh nghiệp Hùng Phương cung cấp từ 500 - 700 tấn thép cho các công trình.
“Nhu cầu xây dựng tăng đột biến, nhưng năm nay nguồn cung dồi dào nên khách hàng yêu cầu lúc nào chúng tôi cũng đáp ứng đủ. Ngay giá thép cũng không tăng, ngoại trừ công trình cách quá xa cửa hàng chúng tôi thu thêm phí chuyên chở từ 30.000 - 50.000 đồng/chuyến”, ông Hùng cho hay.
Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay nguồn cung của hầu hết loại VLXD khá dồi dào; giá vẫn ổn định, loại trừ một số ít có mức tăng nhẹ ở mức 3% - 5%, do biến động của nguyên liệu đầu vào. Giá xi măng cũng không biến động, hiện ở mức 56.000 - 67.000 đồng/bao, tùy thương hiệu.
Nguy cơ “dội” nguồn cung
Điều đáng mừng là trong số hai mặt hàng VLXD chủ lực gồm thép và xi măng được dự báo sẽ không có đột biến về giá hay khan hiếm nguồn cung như trước đây.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) dự đoán, tiêu thụ xi măng trong cả năm 2009 sẽ đạt từ 44 – 45,5 triệu tấn, tăng 10,5% – 11% so với năm 2008, Trong khi đó, hiện nay tổng công suất thiết kế của các nhà máy theo báo cáo đến thời điểm này vào khoảng gần 60 triệu tấn, và khả năng sản xuất thực tế khoảng 45 - 46 triệu tấn. Và như vậy, dự kiến từ năm 2010 trở đi, một số dự án mới đang xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thành thì nguồn cung ứng xi măng trong nước còn lớn hơn từ 5 - 7 triệu tấn so với 2009. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung xi măng trong thời gian tới sẽ được đảm bảo, khó xảy ra tình trạng khan hiếm như thời điểm trước đây.
Tương tự, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11 và 12 ước mức sản xuất và tiêu thụ thép mỗi tháng đạt mức 300.000 - 350.000 tấn, tăng trên 10% so với tháng trước.
Đáng lưu ý, với việc tăng trưởng của ngành thép trong nước, những tháng qua lượng thép nhập khẩu tăng khá lớn. Nếu trong tháng 10 thép nhập khẩu là 4,466 triệu tấn nhưng tính đến thời điểm 15-11 đã lên gần 6 triệu tấn, trong khi cả năm 2008 chỉ nhập 4,273 triệu tấn.
Nếu cứ duy trì tốc độ nhập khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trước sức ép cạnh tranh trong thời gian tới vì qua năm 2010 còn có hàng loạt nhà máy thép mới đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn cung lớn. Đến lúc đó, cộng với lượng thép nhập khẩu ào ạt như hiện nay sẽ xảy ra nguy cơ dư thừa nguồn cung thép.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng