Cân bằng lợi ích

Cập nhật 15/11/2008 01:00

Khi các doanh nghiệp ngành thép phải tạm ngừng sản xuất, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, thì các nhà quản lý, chuyên gia mới cùng ngồi...

Khi các doanh nghiệp ngành thép phải tạm ngừng sản xuất, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, thì các nhà quản lý, chuyên gia mới cùng ngồi lại để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành thép.

Một bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng của ngành thép lần này là cần có cơ chế đối thoại giữa khu vực doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách.

Lượng tồn kho cao của ngành thép hiện nay có một phần lý do đến từ bất cập trong chính sách của cơ quản lý trong việc điều hành thị trường, cụ thể là việc nâng thuế xuất khẩu phôi thép liên tiếp lên 10%, rồi 20%. Với mức thuế này, doanh nghiệp trong nước không thể xuất khẩu phôi trong các tháng 7, 8 và 9/2008 khi vẫn có các đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Lật giở một tờ báo kinh tế trong tháng 6, trong một bài viết về ngành thép, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Tổng công ty Thép lên tiếng rằng, thuế cao, các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu phôi thép nên sắp tới có khi phải nâng thuế xuất khẩu phôi lên 30%. Lưu ý là, trong cơ cấu sản xuất của Tổng công ty Thép, cán thép vẫn chiếm phần lớn.

Thời điểm này, tình thế đã thay đổi, phôi thép dư thừa cả trong nước và trên thế giới.

Qua đó, có thể hiểu vì sao các doanh nghiệp khu vực tư nhân lại kiến nghị một cơ chế đối thoại về chính sách quản lý ngành thép trong thời gian tới để ngành thép không gặp phải rủi ro về chính sách.

Một doanh nghiệp cho biết, khi họp bàn hạ thuế xuất khẩu, tình trạng dư thừa phôi thép đã rõ ràng, các doanh nghiệp sản xuất phôi đều kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phôi, trừ Tổng công ty Thép, với lý do sợ ảnh hưởng đến bình ổn giá cả sau này. Các quyết định giảm thuế xuất khẩu phôi sau đó được cho là ban hành chậm.

Hiện ngành sản xuất phôi thép trong nước buộc phải kiến nghị Nhà nước bảo hộ bằng việc nâng thuế nhập khẩu phôi và thép. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, cần quan tâm đến quyền lợi của các doanh nghiệp cán thép và hộ tiêu dùng.

Các doanh nghiệp sản xuất phôi phải làm nhiệm vụ dự trữ phôi, phòng khi nhu cầu tăng trở lại, thay vì bán hàng để tối đa hóa lợi nhuận. Câu hỏi đặt ra là, khi nâng thuế xuất khẩu phôi, vì sao bài toán này không được đặt ra? Rõ ràng, nâng thuế xuất khẩu phôi là chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất phôi.

Câu chuyện cân bằng lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp trong cùng một ngành có ở nhiều ngành khác nhau, không chỉ riêng ngành thép. Hiện nay, các Tổng công ty vẫn có ảnh hưởng khá lớn trong việc ban hành chính sách, trong khi khu vực tư nhân vẫn gặp khó khăn để tham gia vào hoạch định chính sách chung.

Do vậy, chương trình đối thoại công - tư cần được tăng cường để cơ quan quản lý nghe được đầy đủ ý kiến các bên trước khi đưa ra quyết định mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán