Ngày 11-11, JFE Steel Corp, tập đoàn thép lớn thứ 3 thế giới của Nhật Bản, đã tuyên bố sẽ hoãn hoặc hủy dự án thép có tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD vào Khu kinh tế Dung Quất...
Ngày 11-11, JFE Steel Corp, tập đoàn thép lớn thứ 3 thế giới của Nhật Bản, đã tuyên bố sẽ hoãn hoặc hủy dự án thép có tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD vào Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Rõ ràng JFE Steel Corp mặc dù là “đại gia” của ngành thép thế giới nhưng cũng đã rất cân nhắc và thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.
Từ trường hợp này, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta đặt ngược trở lại vấn đề về những “siêu” dự án đã và đang đổ vào Việt Nam thời gian qua với quá trình tìm hiểu và xin đất diễn ra quá nhanh. Thực chất họ tìm gì và mong muốn điều gì khi đến Việt Nam?
Dự án thép mới nhất được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9-2008 là Khu Liên hợp thép Cà Ná, một liên doanh giữa Tập đoàn Lion (Malaysia) và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tổng diện tích sử dụng của dự án là 1.650 ha diện tích mặt đất và 330 ha diện tích mặt biển với các công trình khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội; cơ sở hạ tầng phụ trợ bao gồm nhà máy điện và cảng biển… tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 9,79 tỷ USD. Dự kiến dự án khởi công vào quý 1-2009, hoàn thành và đưa vào hoạt động các hạng mục giai đoạn 1 vào quý 1-2011.
Trước đó, vào đầu tháng 7-2008, Tập đoàn Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) đã khởi công xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, tổng diện tích mặt đất và mặt biển trên 3.000 ha, vốn giai đoạn 1 lên tới 7,8 tỷ USD, tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh bao gồm các hạng mục: khu gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, khi hoàn thành có thể đón tàu 30.000 - 300.000 tấn cập bến. Kế đó là các dự án liên hợp thép Tycoon – E.United ở Dung Quất, Quảng Ngãi đã động thổ từ cuối năm 2007 và hai dự án đang trong quá trình xem xét là liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) với VnSteel đầu tư vào Hà Tĩnh và dự án của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đầu vào vịnh Vân Phong…
Những “siêu” dự án trên có điểm chung là chiếm diện tích đất khá lớn và nằm ở những vị trí đắc địa. Những địa điểm này đều là nơi có thể phát triển cảng nước sâu, điều không chỉ ngành thép mà rất nhiều nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác cũng mong muốn có được và cũng là điều mà các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có “nằm mơ” cũng không dám nghĩ đến.
Đắc địa thứ hai nguồn tài nguyên khoáng sản. Mỏ quặng Thạch Khê, Hà Tĩnh được đánh giá có trữ lượng lớn nhất nước và đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến hai nhà đầu tư là Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) và Tata (Ấn Độ) chọn làm nơi “gửi vàng”. Vấn đề đáng nói ở đây là dự án Formosa có 100% vốn nước ngoài, dự án Tata thì phía nước ngoài giữ 65%, Việt Nam 35%. Như vậy, rõ ràng phía Việt Nam đã không khai thác được lợi thế về nguyên liệu để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu thép Việt.
Căn cứ dự báo nhu cầu thép của Việt Nam trong 10-15 năm tới cho thấy, khi các siêu dự án này đi vào hoạt động, lượng thép cung sẽ thừa rất nhiều so với nhu cầu trong nước. Việt Nam lại nằm cạnh Trung Quốc, đất nước có sản lượng thép gấp khoảng 100 lần với mức giá luôn thấp hơn so với Việt Nam.
Như vậy thị trường Việt Nam cũng như trong khu vực xem ra không phải miếng bánh hấp dẫn những nhà đầu tư xây dựng dự án thép ở Việt Nam. Vậy họ tìm gì và muốn gì? Phải chăng là nguồn nguyên liệu, chiếm một diện tích khá lớn và khai thác vị trí có cảng nước sâu, di chuyển công nghệ lạc hậu…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Chúng ta phải tính toán để cân đối lợi ích giữa nhà đầu tư với lợi ích lâu dài của đất nước. Có nên khai thác nguồn tài nguyên ngay không, hay để dành cho con cháu sau này. Liệu thế hệ hiện nay có quá tham lam khi tiếp tục tranh thủ bán tài nguyên để làm giàu…”
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng