Các công ty thép bối rối

Cập nhật 03/08/2009 10:45

70% nguyên liệu thép phải nhập khẩu mà doanh nghiệp lại thiếu ngoại tệ trầm trọng.

Nhiều chính sách liên quan chưa phù hợp dẫn đến ngành công nghiệp thép chưa mang đến hiệu quả, giá lên xuống chập chờn.
 

70% nguyên liệu thép phải nhập khẩu mà doanh nghiệp lại thiếu ngoại tệ trầm trọng.

Nhiều doanh nghiệp thép trong nước đang gặp khó khăn về ngoại tệ để nhập nguyên liệu sản xuất. Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ có nguy cơ một số doanh nghiệp phải đóng cửa. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Thiếu đủ thứ

 * Công văn Hiệp hội Thép Việt Nam gửi Chính phủ và một số cơ quan, ban ngành về việc doanh nghiệp thép thiếu ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất đã được giải quyết ra sao, thưa ông?

+ Sau khi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Tổng Công ty Thép Việt Nam gửi thư kiến nghị, Thủ tướng đã có chỉ thị các bộ liên quan họp để cùng nhau giải quyết. Tuy nhiên, khi xét lại những ưu tiên về ngoại tệ cho doanh nghiệp thì có những thiếu sót với ngành thép.

Theo phản ánh của Tổng Công ty Thép Việt Nam thì hiện không chỉ thiếu nguyên liệu mà còn thiếu ngoại tệ để mua cốc, gang... Trước tình hình đó, cách đây mấy ngày, Bộ Công thương đã có văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên ký, gửi ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thép.

* Đã có doanh nghiệp thép nào bị ngừng sản xuất vì không có nguyên liệu hay chưa, thưa ông?

+ Sự việc thiếu ngoại tệ chỉ mới xảy ra hai, ba tuần nay. Cho nên nếu hệ thống ngân hàng chịu giải quyết thì doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn.

* Thưa ông, hiện tại nguyên liệu trong nước đáp ứng bao nhiêu phần trăm công suất của doanh nghiệp thép?

+ Hiện sắt, thép phế liệu trong nước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, 70% nguyên liệu còn lại thì doanh nghiệp phải nhập.

Ngân hàng từ chối cho vay

 * Trong thư kiến nghị về việc ưu tiên vay ngoại tệ, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng các ngân hàng từ chối cho doanh nghiệp thép vay ngoại tệ nhập nguyên liệu là tiếp tay cho thép ngoại. Là chủ tịch VSA, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Rõ ràng là vậy, vì khi thiếu phôi thì bắt buộc doanh nghiệp phải nhập thép ngoại. Thông tư của ngân hàng không ưu tiên vay ngoại tệ cho nhập phế liệu mà chỉ cho nhập phôi, thép thành phẩm.

Tuy vậy, thép thành phẩm trong nước đang dư thừa so với nhu cầu như sắt thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kẽm... nên ngân hàng không thể quy định chung chung như thế được. Cần quy định cụ thể là cho vay tiền mua sản phẩm thép còn thiếu hoặc trong nước chưa sản xuất được như thép chất lượng cao, cơ khí, hợp kim.

 * Thời gian vừa qua, giá thép tăng nhẹ và có xu hướng tăng. Theo ông, nguyên nhân có phải do thiếu ngoại tệ nhập nguyên liệu hay còn lý do nào khác? Dự báo của ông về giá thép từ giờ đến cuối năm?

+ Giá thép tăng là do chi phí đầu vào tăng. Tuy vậy mức tăng của giá thép còn trong phạm vi cho phép chứ không phải tăng ào ào như năm 2007, 2008.

Kinh tế trong nước sau một thời gian ảm đạm đã có dấu hiệu hồi phục tại một số ngành. Ở bên ngoài, kinh tế Trung Quốc và các nước ASEAN cũng khôi phục khá nhanh và tăng cường đầu tư trong nước. Các yếu tố này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới giá thép. Tuy nhiên, nguyên liệu chính của thép là quặng thì trong thời gian qua, nhiều nước bán ra với giá giảm tới 30%-40% so với trước. Rồi các nước có ngành công nghiệp ôtô, đóng tàu... vẫn chưa thể hồi phục nhanh được. Cho nên không có lý do gì để giá thép tăng cao như thời gian trước đây được.

Theo VSA, mức tiêu thụ thép trong tháng 7 tăng khá tốt khi doanh nghiệp đã bán được 330 ngàn tấn thép các loại. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã bán ra với số lượng 2,3 triệu tấn thép, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm trước.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP