Chàng cựu sinh viên chuyên ngành vật liệu xây dựng, khoa Kỹ thuật xây dựng, trường Đại học Bách khoa TP.HCM Nguyễn Tấn Khoa vừa ghi thêm vào danh sách ứng dụng của cây dừa một công dụng mới: dùng gáo dừa làm bê-tông.
“Khi cùng các bạn làm đề tài tham dự một cuộc thi ý tưởng trong ngành xây dựng, vô tình tôi phát hiện gáo dừa có đặc điểm cứng, dẻo, có thể làm cốt liệu cho bê-tông”, Khoa nói về khởi nguyên ý tưởng của mình như thế.
Sau thời gian tìm tòi tài liệu trên mạng và nhận được nhiều góp ý của giáo viên hướng dẫn, Khoa bắt đầu triển khai ý tưởng bằng việc... đi xin nguyên liệu là gáo dừa.
Ba của Khoa làm việc tại một công ty chuyên nạo sấy và chế biến cơm dừa nên Khoa vào đó xin gáo dừa đem về phòng thí nghiệm ở trường, hì hục giã nhỏ cỡ 10 - 20mm rồi sàng lọc.
Công đoạn giã bằng tay mất rất nhiều thời gian. Thấy cháu mình thao tác thủ công quá vất vả, cậu của Khoa đưa cho mượn thiết bị giã gáo dừa.
Có được nguyên liệu cốt lõi, Khoa đem trộn đều với xi-măng, cát và nước rồi cho vào khuôn đúc. Sản phẩm làm ra kết cấu rất chặt, nhưng một thời gian thì hỏng.
“Trong gáo dừa có ba thành phần chính là lignin, xenlulo và hemixenlulo. Chính lignin không được xử lý đã gây ra tình trạng “mốc” của bê-tông”, Khoa thú nhận.
Biết được điểm yếu của công trình, sau khi giã nhỏ gáo dừa, Khoa đem đi xử lý lignin, trộn phụ gia và vào khuôn thành phẩm.
Nhờ bước cải tiến này mà bê-tông sau khi hoàn thành không bị hỏng như trước, trái lại rất bền, độ chịu nén 5-10 MPA, khoảng 50-100 kg/cm2.
Thành quả này giúp Khoa mạnh dạn mang sản phẩm đi dự cuộc thi “Ý tưởng xanh” do Toyota tổ chức và đoạt giải Nhì chung cuộc. Khoa cho biết, khả năng ứng dụng sản phẩm vào thực tế lên đến 80-90%.
“Nếu đưa vào sản xuất và bán ra thị trường, tôi sẽ nhắm đến thị trường ở đồng bằng sông Cửu Long vì ở đây nguyên vật liệu rất dồi dào và nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều”, Khoa chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Khoa, bê-tông gáo dừa không thể thay thế bê-tông cốt thép truyền thống để làm dầm, cột hay sàn, nhưng thích hợp để sử dụng thay thế vật liệu truyền thống, dùng làm vách tường và giúp thị trường vật liệu xây dựng thêm phong phú.
Tính tiền mua nguyên vật liệu và công làm, một khối bê-tông gáo dừa có giá thành 900.000 đồng. Nhưng nếu sản xuất theo dạng tấm, giá thành còn rẻ hơn. Chính vì lợi thế này mà ước mơ về một loại vật liệu xây dựng hoàn toàn mới vẫn được Khoa ấp ủ.
“Công nghệ xây dựng của nhiều nước trên thế giới hiện đã cấm hẳn việc sử dụng các loại nguyên liệu nung để bảo vệ môi trường, do phương pháp này ảnh hưởng mạnh đến bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nhất là lượng khí CO2 thải ra từ quá trình sản xuất vật liệu nung. Việt Nam rồi cũng sẽ tiến đến xu thế này. Lúc đó, bê-tông gáo dừa sẽ là một lựa chọn hợp lý”, Khoa hy vọng.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn