Bảo đảm đủ xi măng cho thị trường

Cập nhật 08/01/2009 11:20

Theo Bộ Xây dựng, đến nay Bộ đã tiến hành soát xét các dự án xi măng triển khai thực hiện đầu tư theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam...

Theo Bộ Xây dựng, đến nay Bộ đã tiến hành soát xét các dự án xi măng triển khai thực hiện đầu tư theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Bổ sung một số dự án xi măng mới

Đó là dự án xi măng Xuân Thành công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam do Cty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành và dự án xi măng Tân Tạo công suất 2.500 tấn clinker/ngày tại thôn Thanh Lâm, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam do Cty CP Đầu tư công nghiệp Tân Tạo đề nghị được đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Theo Bộ Xây dựng, đây là hai dự án đầu tư vào tỉnh Hà Nam, có nguồn nguyên liệu đá vôi phong phú, chất lượng cao và được xác định trong quy hoạch là một vùng có tiềm năng phát triển xi măng. Hai Cty xin phép đầu tư đều có tiềm năng, kinh nghiệm trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Mặt khác hai dự án này, theo báo cáo đầu tư có tổng mức đầu tư là 1.479 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng, thuộc các dự án nhóm B.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép bổ sung vào quy hoạch phát triển xi măng hai dự án xi măng Việt Đức tại xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang với công suất 2.500 tấn clinker/ngày do Cty CP phát triển công nghiệp IDC đề nghị và dự án xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An với công suất 2.500 tấn clinker/ngày do Tập đoàn đầu tư Sài Gòn đề nghị.

Trong hai văn bản nêu trên Bộ Xây dựng cũng đã trình bày những thuận lợi và các khó khăn khi triển khai các dự án xi măng này và thấy rằng với điều kiện tài nguyên khoáng sản, năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư và khả năng vận hành sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường thì hai dự án này có tính khả thi cao.

Mặc dù hiện nay số lượng dự án xi măng đăng ký và đã cho phép đưa vào quy hoạch với tổng công suất đến năm 2020 đã vào khoảng 100 triệu tấn, tương đương với dự báo nhu cầu xi măng của Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên trong thời gian qua nhiều dự án đã không có khả năng triển khai đầu tư, cho nên tổng công suất thiết kế các dự án đầu tư sẽ thấp hơn so với đăng ký trong quy hoạch.

Mặt khác đây là vùng kinh tế có khó khăn, nên việc đầu tư nhà máy xi măng công suất vừa (0,91 triệu tấn/năm) sẽ có khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Năm 2009 sẽ có 18 dự án xi măng hoàn thành

Theo Bộ Xây dựng, đến nay Bộ đã tiến hành soát xét các dự án xi măng triển khai thực hiện đầu tư theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2008 có 10 dự án hoàn thành với tổng công suất 11,93 triệu tấn bao gồm: XM Yên Bình, XM Cẩm Phả, XM Yên Bái, XM Hướng Dương, XM Công Thanh, dây chuyền 3 XM Luksvaxi, XM Thăng Long, dây chuyền 2 XM Chinfon, XM Tuyên Quang, XM Tây Ninh.

Năm 2009 dự kiến có 18 dự án hoàn thành với tổng công suất 20,47 triệu tấn, bao gồm: Dây chuyền 2 XM Bút Sơn, dây chuyền 3 XM Hoàng Thạch, XM Bỉm Sơn mở rộng, XM Thái Nguyên, XM Hạ Long, XM Sông Thao, XM Bình Phước, XM Hoà Phát, dây chuyền 2 XM Lam Thạch, XM Thanh Liêm, dây chuyền 2 XM La Hiên, dây chuyền 2 XM Nghi Sơn, dây chuyền 2 XM Vinakansai, dây chuyền 2 XM Phúc Sơn, XM Điện Biên, XM Thành Công, XM Hoàng Long, XM Thanh Ba - Phú Thọ.

Đến hết năm 2009, tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng lò quay trong toàn quốc sẽ đạt 56,06 triệu tấn, cùng với 3 triệu tấn xi măng lò đứng đang hoạt động, nên khả năng năm 2009 sản lượng xi măng sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ được dự báo là 45 triệu tấn.

Kiểm điểm theo danh mục các dự án của quy hoạch trên cho thấy có một số dự án chưa có khả năng triển khai trong giai đoạn hiện nay như XM Quang Minh - Hải Phòng, XM Lâm Thao, XM Hà Tiên - Kiên Giang, XM Sông Đà - Hòa Bình, XM Lào Cai, XM Trường Sơn - Bắc Giang.

Một số dự án khác đã có trong quy hoạch và được dự kiến hoàn thành vào năm 2008, 2009 như XM Mỹ Đức, XM Sơn Dương, XM Thạnh Mỹ, XM Quảng Trị, XM Anh Sơn, XM 19/5 Nghệ An song đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng do chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư, hoặc chưa có tính khả thi, chính vì vậy các dự án này chưa xác định được thời điểm hoàn thành.

Các dự án XM Trung Sơn, XM Đồng Lâm, XM Đô Lương, XM Long Thọ, XM Sài Sơn, XM Tân Phú Xuân, XM X-18 theo quy hoạch cũng phải hoàn thành trong giai đoạn 2007-2009 song đến nay mới đang trong quá trình thương thảo hợp đồng hoặc giải phóng mặt bằng, thời gian hoàn thành các dự án này chắc chắn sẽ lùi lại sau năm 2010.

Như vậy, hiện nay đã xác định được các dự án sẽ hoàn thành năm 2009, 2010. Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát, chỉ đạo triển khai các dự án sẽ hoàn thành năm 2011, 2012 và các năm tiếp theo, tiếp tục xem xét để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa ra ngoài quy hoạch các dự án không có điều kiện triển khai, hoặc không có tính khả thi.

Đối với các dự án được bổ sung vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, theo Bộ Xây dựng, có thể đánh giá là các dự án này đã được triển khai nhanh, hiệu quả và đã góp phần tăng nguồn cung xi măng cho các năm 2007, 2008 nhờ đó khả năng năm 2009, 2010 Việt Nam sẽ có đủ xi măng sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu xây dựng.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng